Số liệu thi hành án năm 2021 cho thấy, tổng số phải thi hành là 843.102 việc. Số có điều kiện thi hành 651.563 việc. Thi hành xong là 493.971 việc, đạt tỉ lệ 75,81%; Về tiền: Thi hành xong là 45.705 tỷ 148 triệu 397 nghìn đồng, đạt tỉ lệ 31,05%. Tuy nhiên, số việc, tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất cao, trong đó một số lượng lớn việc có điều kiện thi hành mà chưa thể giải quyết dứt điểm được. Tình trạng này ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của bản án, quyết định, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án, đặc biệt là đối với các việc THADS có điều kiện thi hành, cần thực hiện đồng thời một số giải pháp. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về THADS và các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là các quy định về phân loại việc THADS. Đối với việc có điều kiện thi hành, cần xác định rõ tiêu chí “có điều kiện thi hành” một cách cụ thể hơn, đảm bảo số liệu việc thi hành án có điều kiện thi hành được xác định thực chất và chính xác. Đối với việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đề nghị xem xét mở rộng tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với những trường hợp phát sinh trong thực tiễn, mặc dù có tài sản nhưng bế tắc trong việc xử lý tài sản. Bổ sung quy định về về ủy thác xử lý tài sản thi hành án tại Điều 55, 56, 57 Luật THADS đối với trường hợp tài sản thi hành án có ở nhiều địa phương khác nhau để thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản,rút ngắn quá trình tổ chức thi hành án.
Phối hợp hiệu quả giữa cơ quan THADS với các cơ quan liên quan để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời tổ chức thi hành án. Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan hữu quan để thống nhất quan điểm đối với những trường hợp pháp luật quy định chưa rõ, gặp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật; Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các khoản thuế, phí còn nợ của bên bảo đảm trong việc chuyển nhượng tài sản khi áp dụng Nghị quyết số 42 hay phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội sở các Ngân hàng lớn để tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng tại những địa phương có lượng án tín dụng ngân hàng lớn, khó khăn, vướng mắc khi cần thiết để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thi hành...
Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan THADS trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan THADS và Chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án. Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi suất để có hướng giải quyết xong vụ việc.
Bổ sung các quy định của pháp luật bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa giai đoạn thi hành án với các giai đoạn điều tra, xét xử. Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) chỉ đề cập biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào mà không khẳng định đây là biện pháp bắt buộc. Theo Điều 128 BLTTHS: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền ra lệnh kê biên tài sản”. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra đối với bị can và hệ quả pháp lí đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải thi hành án tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả THA.
Tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hànhđối với những việc thi hành án có điều kiện thi hành chính là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả công tácTHADS, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.