Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngay từ cấp cơ sở
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, tại buổi lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định trong thời gian tới phải xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngay từ cấp cơ sở, từ chính quyền gần dân nhất. Theo đó, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, một trong những công việc phải làm đó là phải đong đếm một cách thực chất hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở địa phương đặc biệt là cấp cơ sở.
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu khai mạc. |
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, từ năm 2017 đến nay, đã có bộ công cụ đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với tính chất là bộ công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở được pháp luật và cơ quan nhà nước cấp trên giao. Theo đó, Bộ tiêu chí gồm 6 tiêu chí và 20 chỉ tiêu, với tổng số 100 điểm tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền địa phương cụ thể như: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc, sau một thời gian triển khai bộ tiêu chí đã có một số khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Từ những yếu tố tác động đã làm cho công tác đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn mang tính hình thức tại một số địa phương.
Trước thực trạng trên, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc bày tỏ mong muốn các địa phương sẽ có nhiều cách làm hay để áp dụng bộ tiêu chí đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, những khó khăn, vướng mắc để tìm ra các giải pháp để đưa công tác đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào “thực chất”.
Chú trọng nâng cao hiệu quả đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Phan Thị Hồng Thắng nêu rõ, công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng tham mưu UBND tỉnh có những biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.
Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Phan Thị Hồng Thắng chia sẻ |
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Phan Thị Hồng Thắng cho biết Sở sẽ tiếp tục thông tin, truyền thông bằng hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, vị thế của công tác này trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất đưa kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thành một tiêu chí đánh giá kết quả xếp loại thi đua hằng năm của đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương…
Để nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo ông Lê Anh Tuấn Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang cần tiếp tục thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là UBND cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã và Nhân dân về vị trí, vai trò, nội dung của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật theo quyết định Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đúng quy định, góp phần bảo đảm thực hiện quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Ông Lê Anh Tuấn Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang phát biểu |
Đồng thời, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật...
Tại Hội thảo các đại biểu trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung quan trọng như: Kinh nghiệm thực hiện các tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và các giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn các tỉnh.
Triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và Quyết định số 1723/QĐ-BTP của Bộ trường Bộ Tư pháp thông qua các tổ chức các hoạt động kiểm tra, khảo sát thực tế và tập huấn nghiệp vụ tại địa phương cho thấy, cấp cơ sở vẫn còn gặp những khó khăn nhất định trong tổ chức triển khai việc cung cấp thông tin, làm ảnh hưởng đến kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để các quy định pháp luật về tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan, địa phương cần quan tâm hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với cấp xã, cần tập trung hướng dẫn các công việc, nhiệm vụ mà cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện, cụ thể như việc lập, đăng tải các Danh mục thông tin; việc cập nhật các Danh mục thông tin. Từ đó bảo đảm các Danh mục thông tin được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu và chính quyền địa phương cấp cơ sở trong việc phổ biến, giới thiệu, truyền thông về quyền của công dân trong tiếp cận thông tin và quy trình, cách thức thực hiện quyền đó. Từ đó giúp người dân thực hiện quyền theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phòng ngừa khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trái pháp luật, giảm bớt khó khăn, áp lực cho cơ sở trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Chọn điểm và hỗ trợ địa phương, cơ sở, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ cung cấp thông tin thông qua lồng ghép, sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình, đề án, dự án có liên quan, qua đó góp phần thúc đẩy cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra chuyên đề công tác tiếp cận thông tin; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện nhiệm vụ tại cấp cơ sở để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, hướng dẫn việc cung cấp thông tin đúng trách nhiệm được giao.