Nhiều nguy cơ tiềm ẩn xâm hại trẻ em
Tháng 10/2023, vụ việc nam sinh lớp 7 tại một trường ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị một nhóm bạn bạo lực học đường nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương cả thể chất và tinh thần đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Ngay sau khi sự việc xảy ra không lâu, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã vào cuộc để tư vấn, hỗ trợ, can thiệp cho nam sinh này.
Bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị rối loạn phân ly sau sự việc. Theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Xác định trường hợp của nam sinh là trường hợp cần được điều trị lâu dài, Tổng đài 111 đã trao đổi với gia đình nam sinh và địa phương cố gắng tìm các nguồn lực để tiếp tục duy trì việc điều trị, sau các đợt điều trị ban đầu. Ngoài việc tư vấn, trị liệu tâm lý cho nam sinh nạn nhân của bạo lực học đường, Tổng đài 111 đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội Hà Nội tiến hành hỗ trợ về tâm lý cho cả những học sinh gây ra bạo lực cho nam sinh bởi do áp lực của dư luận, những học sinh này cũng bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.
Cũng theo Tổng đài 111, với vấn nạn bạo lực học đường thì trẻ bị bạo hành hay trẻ gây ra bạo hành đều là nạn nhân. Đối với các trường hợp cần tư vấn, Tổng đài 111 khi tiếp nhận thông tin sẽ xác định trẻ bị bạo hành bởi ai để từ đó có tư vấn về mặt tâm lý cụ thể cho từng đối tượng.
Về quá trình can thiệp, Tổng đài sẽ tiếp nhận thông tin, kết nối, trao đổi với cán bộ địa phương, đầu tiên là cán bộ trẻ em cấp xã, sau là cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện để xác minh thông tin và tiến hành hỗ trợ. Trong trường hợp trẻ cần tư vấn tâm lý trực tiếp, Tổng đài sẽ giới thiệu với trẻ em và gia đình trẻ địa chỉ Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em của Tổng đài 111 để gia đình trẻ thu xếp thời gian và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đưa trẻ đến trị liệu. Với trường hợp trẻ ở xa không về Hà Nội để trị liệu trực tiếp được thì Tổng đài 111 sẽ phối hợp với cán bộ địa phương để tìm các nguồn lực khác hỗ trợ trẻ và gia đình.
Đặc biệt, đối với các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương để đánh giá về tình trạng sức khỏe, thể chất cũng như tâm lý của trẻ và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Hiện tại, những trẻ bị bạo hành và xâm hại đều được Văn phòng Tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em trị liệu miễn phí.
Ví dụ trên đây cho thấy một thực tế trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2023 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng là năm giữa kỳ các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em - công tác trẻ em ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận tình hình trẻ em và việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong năm 2023 tiếp tục chịu ảnh hưởng của vấn đề dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu - nghèo, vấn đề thất nghiệp và di cư, hội nhập quốc tế... để từ đó vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực trong gia đình, nhà trường, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại trên môi trường mạng...
“Bài toán” ngân sách cho công tác trẻ em
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác trẻ em năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, tình trạng trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh, hình thành băng nhóm kín thông qua mạng xã hội kêu gọi thành viên để giải quyết các mâu thuẫn hoặc chống trả lực lượng chức năng. Cùng với đó, nhiều vấn đề vẫn còn nhức nhối, như tình trạng trẻ em bị đuối nước còn ở mức cao. Nhân lực quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở nhiều địa phương còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã…
Đặc biệt, trong bối cảnh công tác trẻ em gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, điều đáng lo là nhiều địa phương bố trí ngân sách cho công tác trẻ em còn thấp, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ về trẻ em của ngành. Cụ thể, phân bổ kinh phí công tác trẻ em tại các địa phương thông qua Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trong năm 2023 là 116,4 tỷ đồng (giảm gần 4 tỷ đồng so với năm 2022)..., theo ông Đặng Hoa Nam.
Do đó, theo lãnh đạo Cục Trẻ em, năm 2024, mục tiêu đặt ra đối với công tác trẻ em là tăng cường phân bổ nguồn lực địa phương cho việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kiểm soát và giảm số lượng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích trên tất cả loại hình tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, cháy, nổ; phấn đấu 60% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm, còn 6,7%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về trẻ em, nhất là chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề về xã hội...