Nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản

(PLVN) -Hiện nay, đội ngũ đấu giá viên và các tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, quy mô, tính chuyên nghiệp, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu ĐGTS của các địa phương.

Doanh nghiệp đấu giá phát triển mạnh

Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên; gần 600 doanh nghiệp ĐGTS; 58/63 Trung tâm dịch vụ bán ĐGTS tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các doanh nghiệp đấu giá hiện nay phần lớn tập trung tại các tỉnh, thành phố, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hoá… Các doanh nghiệp ĐGTS đã có sự phát triển đáng kể về số lượng (trước khi thực hiện Luật ĐGTS, cả nước chỉ có hơn 100 doanh nghiệp, hiện nay con số này là gần 600 doanh nghiệp).

Một số doanh nghiệp ĐGTS đã có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, số lượng đấu giá viên, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ và thành lập các chi nhánh để mở rộng phạm vi hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Cả nước có 08 tổ chức ĐGTS được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện đấu giá trực tuyến, trong đó có doanh nghiệp ĐGTS chiếm đa số với 07 tổ chức. Hoạt động của các Trung tâm dịch vụ ĐGTS tại nhiều địa phương khá hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong việc dẫn dắt, định hướng cho hoạt động ĐGTS tại địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước; phòng tránh lãng phí, thất thoát tài sản công.

Đơn cử, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay có 67 tổ chức ĐGTS, bao gồm Trung tâm dịch vụ ĐGTS TP Hồ Chí Minh và 66 doanh nghiệp ĐGTS, 32 chi nhánh doanh nghiệp ĐGTS với 219 đấu giá viên. Theo Sở Tư pháp TP, nhìn chung, số lượng tổ chức ĐGTS và đấu giá viên hiện nay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu ĐGTS của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn TP; việc thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp ĐGTS theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật ĐGTS trên địa bàn TP được thực hiện theo quy định.

Tại Quảng Bình, Sở Tư pháp cũng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ ĐGTS, xây dựng Trung tâm thành đơn vị đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ, đóng vai trò nòng cốt trong việc dẫn dắt, định hướng cho hoạt động ĐGTS tại địa phương, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người có tài sản khi lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá. Kết quả, sau 5 năm thi hành Luật ĐGTS, Trung tâm đã thực hiện 4.340 cuộc đấu giá thành, tổng giá bán của tài sản là hơn 4,3 nghìn tỉ đồng, chệch so với khởi điểm hơn 1 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% cuộc đấu giá thành và 48% giá bán tài sản của các tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh.

Sắp xếp tổ chức hành nghề ĐGTS

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng một bộ phận doanh nghiệp ĐGTS hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, manh mún, trình độ quản lý còn bất cập; nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển như Bạc Liêu, Đắk Nông, Điện Biên… chỉ có 1 – 2 tổ chức ĐGTS, cơ sở vật chất còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hoá, đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu ĐGTS của địa phương; thực tế hoạt động đã xuất hiện tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh giữa các tổ chức ĐGTS…

Về đội ngũ đấu giá viên, thời gian qua, sự phân bố về đấu giá viên chưa đồng đều mà chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn và các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; một bộ phận đấu giá viên còn chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề còn hạn chế; vẫn còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến nhiều vụ việc bị huỷ kết quả đấu giá…

Vì vậy, thời gian tới, cần xây dựng đội ngũ đấu giá viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động bán ĐGTS; nâng cao chất lượng đấu giá viên theo hướng tập trung đào tạo theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các đấu giá viên.

Song song với đó, cần nghiên cứu, tham mưu việc thực hiện sắp xếp tổ chức hành nghề ĐGTS theo hướng vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hoá các nghề tư pháp, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn pháp lý, phòng ngừa rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển hoạt động ĐGTS trên địa bàn một cách bền vững, phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định nhằm bảo đảm việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy được tối đa lợi thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của các Trung tâm so với loại hình doanh nghiệp ĐGTS. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp ĐGTS tiếp tục phát triển quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng hành nghề.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.