Mỹ thúc giục người dân tiêm chủng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23/8 đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer. Ngay lập tức, quân đội Mỹ và một loạt các công ty tại nước này đã đưa việc tiêm chủng vaccine trên trở thành yêu cầu bắt buộc.

Theo AFP, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer hiện được bán trên thị trường với tên thương hiệu là Comirnaty. Đây là loại vaccine đầu tiên nhận được cấp phép đầy đủ. Quyết định của FDA được đưa ra dựa trên dữ liệu cập nhật từ thử nghiệm lâm sàng với hơn 40.000 người, cho thấy vaccine có hiệu quả 91% trong việc ngăn ngừa COVID-19.

FDA đã theo dõi dữ liệu từ 12.000 người đã được tiêm vaccine sau 6 tháng kể từ khi họ được tiêm vaccine đầy đủ. Hầu hết các phản ứng phụ thường được báo cáo là nhẹ, bao gồm đau và sưng tại chỗ tiêm, nhức đầu, ớn lạnh và sốt. Cơ quan trên hiện vẫn đang tiếp tục điều tra dữ liệu an toàn liên quan đến tình trạng viêm cơ tim (viêm tim) rất hiếm gặp, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau liều vaccine thứ hai.

Theo thống kê, khoảng 52% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ. Song, vẫn có nhiều người ở nước này do dự không muốn tiêm vaccine, cản trở chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Do đó, các quan chức y tế cộng đồng của Mỹ hy vọng động thái của FDA sẽ thuyết phục những người Mỹ chưa tiêm chủng rằng vaccine của Pfizer là an toàn và hiệu quả.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi việc cấp phép của FDA là “thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch”, là bằng chứng về “tiêu chuẩn vàng” .

Tổng thống Mỹ đã kêu gọi những người chưa tiêm vaccine đi tiêm phòng ngay lập tức. “Nếu bạn là một trong hàng triệu người Mỹ nói rằng sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19 chừng nào FDA chưa cấp phép đầy đủ cho vaccine đó, thì điều này giờ đã xảy ra”, ông Biden nhấn mạnh. Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các công ty trong khu vực tư nhân đẩy mạnh các yêu cầu về việc vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ở hàng triệu người nữa.

Ngay sau thông báo của FDA, quân đội Mỹ đã cho biết sẽ đưa việc tiêm phòng vaccine trở thành yêu cầu bắt buộc với các quân nhân. Một loạt các doanh nghiệp tư nhân và trường đại học ở Mỹ dự kiến sẽ có bước đi tương tự. Thành phố New York cũng thông báo yêu cầu tất cả nhân viên của sở giáo dục phải tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 27/9, không chấp nhận lựa chọn thay thế là xét nghiệm thường xuyên.

Các chuyên gia đã lên tiếng hoan nghênh việc cấp phép của FDA mà nhiều người trong số họ đã hối thúc trong nhiều tháng. Ông Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh Y tế của Đại học Johns Hopkins ca ngợi diễn biến này là “tin tốt” có thể khiến những người vẫn còn nghi ngại vaccine đổi ý. Ông Adalja nhấn mạnh, quyết định của FDA đã loại bỏ quan điểm sai lầm rằng đây mới chỉ là vaccine thử nghiệm mà những người ủng hộ phong trào chống vaccine thường viện dẫn.

Còn ông Eric Topol - Giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps – cho hay, ông dự kiến ​​sẽ có “thêm hàng chục triệu người Mỹ được tiêm chủng” sau khi FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer.

Một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Kaiser Family cho thấy, 30% người lớn ở Mỹ cho biết, việc cấp phép đầy đủ vaccine sẽ khiến họ có nhiều khả năng đi tiêm chủng hơn. Việc FDA cấp phép cho vaccine của Pfizer diễn ra trong lúc biến thể Delta cực kỳ dễ lây lan đang khiến tình hình dịch bệnh ở Mỹ trở nên căng thẳng với khoảng 80.000 người Mỹ nhập viện vì COVID-19 và hơn 700 người tử vong mỗi ngày.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm các bang miền Nam Florida, Alabama, Mississippi và Louisiana. Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng ở các bang này trong những tuần gần đây, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh từ mùa xuân.

Kể từ khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp được cấp vào ngày 11/12/2020 cho đến nay, tổng cộng đã có hơn 200 triệu liều vaccine Pfizer được sử dụng. Theo cấp phép của FDA, vaccine của Pfizer sẽ được sử dụng với những người từ 16 tuổi trở lên.

Vaccine này hiện vẫn được phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Tuy nhiên, vì đã được cấp phép đầy đủ, các bác sĩ tới đây cũng sẽ có thể chỉ định vaccine Comirnaty cho trẻ em dưới 12 tuổi nếu họ tin rằng việc sử dụng đó đem đến lợi ích.

Dù vậy nhưng quyền Giám đốc FDA Janet Woodcock đã khuyến cáo không nên sử dụng ở trẻ nhỏ hơn cho đến khi có dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng, dự kiến ​​vào cuối năm nay. “Chúng ta cần có thông tin và dữ liệu về việc sử dụng ở trẻ nhỏ”, bà Woodcock nói, nhấn mạnh yêu cầu quan trọng là xác định được chính xác liều lượng vaccine cần sử dụng cho nhóm này.

Khoảng 628.000 người ở Mỹ đã tử vong vì COVID-19, khiến nước này chính trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch trên thế giới. So với các chủng trước đó, các loại vaccine hiện có ít hiệu quả hơn đối với biến thể Delta, đặc biệt là việc chống lại sự lây nhiễm, khiến mục tiêu tiêm chủng cho nhiều người dân trở nên quan trọng hơn.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng 24/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 213,22 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong số này, hơn 190,8 triệu người đã khỏi bệnh nhưng cũng có hơn 4,45 triệu bệnh nhân đã tử vong. Thống kê cho thấy Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 38,76 triệu ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 2 với hơn 32,46 triệu ca nhiễm, trong đó 435.050 ca tử vong.

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.

Mỹ chế tạo máy bay 'Ngày tận thế' mới

Một máy bay chỉ huy và điều khiển E-4B.
(PLVN) - Mỹ sẽ phát triển một máy bay “Ngày tận thế” mới để cho phép tổng thống Mỹ tiếp tục lãnh đạo đất nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa lớn khác phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên mặt đất.