Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ tiếp tục "không đồng ý mạnh mẽ" với các cuộc điều tra của tòa án ở Afghanistan và các vùng lãnh thổ của Palestine nhưng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các công tố viên và hạn chế thị thực đối với nhân viên của họ.
Tuy nhiên, ông Blinken đã lên tiếng ủng hộ "một loạt các cải cách" đang được xem xét sẽ giúp ICC "đạt được sứ mệnh cốt lõi của mình là phục vụ như một tòa án cuối cùng trong việc trừng phạt và ngăn chặn tội phạm tàn bạo". Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng cuộc cải cách này là một nỗ lực đáng giá".
Chính quyền của ông Trump đã áp dụng lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với công tố viên Fatou Bensouda và những người khác tại tòa án có trụ sở tại The Hague vào năm ngoái vì điều tra tội ác chiến tranh của quân nhân Mỹ và các lực lượng khác hoạt động ở Afghanistan.
Chính quyền của ông Trump cũng phản đối một cuộc điều tra được tiến hành vào năm 2019 về các tội ác chiến tranh bị cáo buộc ở các vùng lãnh thổ của Palestine, bao gồm cả những tội ác được cho là do lực lượng Israel thực hiện.
Cả Mỹ và Israel đều không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Các thành viên ICC đã bầu luật sư người Anh Karim Khan làm công tố viên ICC mới cho nhiệm kỳ 9 năm vào tháng trước. Ông sẽ thay thế bà Bensouda vào tháng 6 và dự kiến sẽ tiếp cận hồ sơ Afghanistan và Palestine một cách thận trọng hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì duy trì các lệnh trừng phạt lên tòa án hơn 10 tuần sau khi nhậm chức, ngay cả khi chính quyền của ông đã tìm cách hàn gắn các mối quan hệ toàn cầu và tăng cường hợp tác với các cơ quan đa phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass trong một tuyên bố cho biết việc Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này đánh dấu một "ngày tốt lành cho cuộc chiến quốc tế chống lại sự trừng phạt" và đề cập đến sự hợp tác của Hoa Kỳ với tòa án trước thời ông Trump.
“Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ… là một bước quan trọng để đảm bảo rằng các tội phạm quốc tế nghiêm trọng được điều tra độc lập và thủ phạm bị đưa ra công lý. Chúng ta nợ điều này với rất nhiều nạn nhân và những người bị bỏ lại phía sau” - ông Mass nói trong một tuyên bố.
Ông lưu ý rằng trước đây Washington đã “hỗ trợ tòa án trong một số vụ việc quan trọng” và cho biết Berlin sẽ “duy trì trao đổi liên tục với các đối tác Mỹ” về các cải cách nhằm làm cho tòa án hoạt động hiệu quả hơn.
Bà Akila Radhakrishnan, Chủ tịch Trung tâm Công lý Toàn cầu, một nhóm vận động hợp pháp, ca ngợi chính quyền ông Biden đã chấm dứt "cuộc tấn công liều lĩnh" thời cựu Tổng thống Trump vào tòa án và kêu gọi Mỹ tiến xa hơn bằng cách tham gia vào Tòa án Hình sự Quốc tế.
Bà Radhakrishnan cho biết: “Các biện pháp trừng phạt của cựu Tổng thống Trump được ban hành để giúp Mỹ và các đồng minh thân cận tránh trách nhiệm giải trình cho các hành vi vi phạm nhân quyền của chính họ, nhưng tác động của chúng còn đi xa hơn nữa khi nhắm vào các quan chức tòa án và công việc khẩn cấp của họ”.
“Bãi bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào các nhân viên cảu ICC là một sự khởi đầu, nhưng nếu chính quyền ông Biden muốn đấu tranh thực sự cho quyền con người và pháp quyền, thì về cơ bản nó phải thay đổi mối quan hệ của Hoa Kỳ với tòa án này” - bà Radhakrishnan nhấn mạnh.