UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản đồng ý cho học sinh, học viên trên địa bàn đến trường học tập từ ngày 24/9.
Theo đó, học sinh, học viên phải thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX); giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, ngoại ngữ - tin học; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, giáo dục kỹ năng sống thuộc các địa phương áp dụng trạng thái bình thường mới hoặc chỉ thị 19 (thị xã Từ Sơn).
Cụ thể, học sinh khối lớp 1, 2, 5 học sáng, trong khi lớp 3 và lớp 4 học chiều. Tại khối THCS, các lớp 6, 9 học sáng, còn lớp 7 và lớp 8 học chiều. Khối THPT, GDTX cho lớp 10, lớp 12 học sáng và lớp 11 học chiều.
Tỉnh Bắc Ninh giao Sở GD&ĐT, Sở Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với ngành y tế, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức cho học sinh, học viên đến trường.
Giáo viên trường THPT chuyên Bắc Ninh cho biết, BGH nhà trường đã họp để lên kế hoạch chung cho toàn trường, sau đó phân công nhiệm vụ đến các thầy cô về việc triển khai kế hoạch dạy học, môi trường học tập an toàn khi đón học sinh trở lại trường.
Ngày 21/9, học sinh các bậc học từ Tiểu học, THCS, THPT, TTGDNN-GDTX trên địa bàn huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hoá) đã đi học trở lại.
Cô Nguyễn Thị Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lưu cho biết: Nhà trường đã phân chia khối 1, 4, 5 học bổi sáng, khối 2, 3 học buổi chiều. Trong ngày đầu tiên trở lại trường, học sinh đi học tương đối đầy đủ, không em nào có biểu hiện ho sốt cần theo dõi y tế.
Theo kế hoạch, ngày 27/9, trên 11.400 học sinh mầm non huyện Quảng Xương sẽ được tới trường đi học trở lại.
Tỉnh Nghệ An cũng đang lên phương án cho học sinh mầm non trở lại trường từ ngày 4/10. Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An vừa ban hành hướng dẫn xây dựng phương án dạy học ứng phó dịch COVID-19 năm học 2021-2022. Theo đó, 3 phương án dạy học được nêu ra trong bối cảnh các địa phương thực hiện dạy học theo Chỉ thị 16, 15 và 19.
Đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, học sinh tiếp tục học trực tuyến. Riêng các huyện miền núi kết hợp dạy học trực tuyến và giao bài để đảm bảo tất cả trẻ được học.
Với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, giáo viên dạy cả trực tiếp và trực tuyến. Lớp học sẽ chia nửa học sinh, các em học theo ngày chẵn, lẻ để đảm bảo giãn cách khi đến trường.
Riêng cấp tiểu học, các trường có số học sinh lớn, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao cần kết hợp chia học sinh theo ca. Các em khối 1, 2, 5 học buổi sáng; khối 3, 4 học buổi chiều.
Ngành giáo dục cũng yêu cầu các trường lập kế hoạch phù hợp về nội dung, thời lượng dạy học trực tiếp, trực tuyến và để học sinh tự học có hướng dẫn, nội dung khuyến khích học sinh tự học. Với vùng đô thị, vùng có điều kiện thuận lợi, giáo viên có thể tăng thời lượng dạy trực tuyến.
Tại địa phương thực hiện Chỉ thị 19, học sinh sẽ học trực tiếp. Học sinh ở vùng nguy cơ lây nhiễm sẽ phân khối, lớp và khung chương trình để đảm bảo phòng dịch.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đưa ra phương án cho học sinh bậc mầm non trở lại trường từ ngày 4/10 với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 19. Đối với nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 và 15, trẻ chưa được đến lớp.
Hải Dương cũng cho phép học sinh các lớp đầu cấp, cuối cấp đi học trở lại trường từ ngày 15/9. Các trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú cũng như các hoạt động giáo dục trải nghiệm, kỹ năng sống.
Để hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tranh thủ đợt phòng, chống dịch theo các giải pháp mới từ 6h ngày 21/9, khi được cấp đủ vắc xin sẽ tiêm phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cố gắng hoàn thành mục tiêu này vào đầu tháng 11/2021.
Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ tính phương án cho học sinh quay trở lại trường, cũng như cho các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.