Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP (Nghị định 60) về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL là chủ trương lớn để triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương năm 2017. So với các Nghị định đã ban hành trước đây, Nghị định 60 có nhiều điểm mới.
Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Trường Giang, lẽ ra Nghị định 60 được ban hành sẽ được thực hiện ngay từ tháng 8/2021, nhưng do tác động của dịch COVID-19, tất cả các ĐVSNCL bị ảnh hưởng nguồn thu. Do vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội lùi lộ trình cải cách tiền lương. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ lùi lộ trình thực hiện Nghị định 60 sau một năm, tức là sẽ bắt đầu từ năm 2023.
“Tuy vậy, khi triển khai Nghị định 60, qua lấy ý kiến một số bộ, ngành, địa phương, chúng tôi thấy có một số điểm cần trao đổi, ví dụ: Nghị quyết 19-NQ/TW đưa ra yêu cầu lộ trình tính đủ giá chi phí cung cấp dịch vụ công sau năm 2021. Đối với lĩnh vực dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, cũng phải xây dựng giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao và chi phí quản lý. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lộ trình này chưa đạt kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm.
Cũng theo vị này, về nguyên tắc, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có thu đủ bù chi. Muốn các đơn vị sự nghiệp phát triển khi cung cấp dịch vụ công thì phải đảm bảo thu bù chi, tương xứng với dịch vụ cung cấp, nhưng chi phải trong định mức và có sự giám sát của cơ quan liên quan. “Tăng tự chủ phải tăng trách nhiệm giải trình, khi tăng giá phải đảm bảo tăng chất lượng dịch vụ cung cấp”, Vụ trưởng Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Liên quan đến việc vừa qua, một số bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin không thực hiện chủ tài chính, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp giải thích, các Bệnh viện này xin Chính phủ không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về tự chủ toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên để quay lại tự chủ chi thường xuyên như trước khi thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP.
“Thực tế, hai bệnh viện này được Chính phủ cho thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ về tài chính gồm tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên trong 2 năm theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Đây là tự chủ toàn bộ chứ không phải không tự chủ. Trước đây, khi chưa thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP, hai đơn vị này vẫn thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (tự chủ chi thường xuyên)”, ông Giang cho hay.
Việc các cơ sở tự chủ chi đầu tư, chi thường xuyên cho rằng khi tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, thì không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, đầu tư tài sản là chưa đúng.
“Nghị định 60 cũng không quy định như vậy mà chỉ quy định khi Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước sẽ bố trí tương xứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, đối với các đơn vị tự chủ toàn bộ (cả chi đầu tư, chi thường xuyên), ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K trong trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở A, trang bị máy B mà theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách Nhà nước vẫn hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao. Nội dung này đã được thể hiện tại Nghị định 60, nhưng tới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị yên tâm trong triển khai thực hiện”, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nói.