Nguồn nhân lực công nghệ quan trọng của đất nước
Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá, 20 năm qua là một hành trình đầy ý nghĩa, Giải thưởng đã tôn vinh những tài năng trẻ xuất sắc nhất trong cộng đồng khoa học công nghệ trẻ Việt Nam.
Từ một giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Giải thưởng đã trở thành nơi phát hiện, tôn vinh các nhà khoa học trẻ xuất sắc, tiêu biểu trong các lĩnh vực mũi nhọn như: Công nghệ sinh học; công nghệ y - dược; công nghệ môi trường; công nghệ thông tin, tự động hóa và chuyển đổi số; công nghệ vật liệu mới.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Thành tích mà các thế hệ tài năng trẻ Quả cầu vàng đạt được đã phản ánh các chủ trương, chính sách khoa học công nghệ của Đảng, Nhà nước ngày càng đi vào thực tiễn đời sống. Đồng thời cho thấy ý nghĩa thiết thực và sức sống của Giải thưởng trong hành trình 20 năm hình thành, phát triển và lan tỏa.
Theo TS Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng: Vào những năm 90 của thế kỷ 20, Đảng, Nhà nước ta đưa ra chủ trương về phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 49/CP ngày 4/8/1993 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta.
Năm 2003, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng Đề án “Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả cầu vàng” nhằm tôn vinh các tài năng trẻ tiêu biểu của đất nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lấy tên là Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả cầu vàng (sau này là Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng).
Nhiều cá nhân sau khi giành Giải thưởng trong giai đoạn 2003 - 2010 đã có sự trưởng thành, phát triển, được giao trọng trách tại các Bộ, ngành, địa phương. Đó là PGS, TS Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (giành Giải thưởng năm 2006); TS Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2010); PGS, TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2007); TS Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (năm 2004)...
Ở giai đoạn 2016 - 2020, hàng loạt cá nhân giành Giải thưởng đã nhanh chóng trở thành các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học tiêu biểu ở không chỉ các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, cơ quan, bộ, ngành hay tỉnh, thành phố trên cả nước, mà còn đóng góp nhiều công trình khoa học uy tín, công bố ở quy mô quốc tế, thiết thực nâng cao vị thế khoa học Việt Nam trên thế giới.
Từ năm 2021 đến nay, Giải thưởng tiếp tục mở rộng quy mô xét chọn ra 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường; Công nghệ vật liệu mới.
Đồng thời, tập trung hơn vào phát hiện, tôn vinh các nhà khoa học trẻ xuất sắc với nhiều công trình khoa học công bố quốc tế xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.
Thống kê của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: sau 20 năm, Giải thưởng đã vinh danh tổng cộng 204 cá nhân xuất sắc. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa là nhiều nhất với 109 tài năng trẻ. Xếp sau đó lần lượt là các lĩnh vực y - dược, môi trường, sinh học và vật liệu mới.
Lan tỏa sự đam mê, dấn thân trong khoa học của thế hệ trẻ
20 năm qua, giải thưởng Quả cầu vàng đã tôn vinh những tài năng trẻ xuất sắc nhất trong cộng đồng khoa học công nghệ trẻ Việt Nam. Các công trình nghiên cứu, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ khoa học công nghệ của các thế hệ “Quả cầu vàng” đã góp phần quan trọng giải quyết các thách thức trong nước cũng như toàn cầu.
TS, BS Đỗ Xuân Hai (Học viện Quân y), tài năng trẻ nhận giải thưởng 2012 cho rằng, giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng có uy tín trong giới khoa học cả trong và ngoài nước. Vì vậy, cần lan tỏa hơn nữa về giải thưởng, hình ảnh của từng cá nhân đạt giải và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo đối với phong trào thanh niên nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần đơn giản hóa các thủ tục, ứng dụng công nghệ trong đánh giá công trình khoa học, đặc biệt các kết quả khoa học tiêu biểu và những định hướng gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân. Có cơ chế tài chính tốt, tăng cường nguồn lực xã hội cho giải thưởng và sau nhận thưởng với các ngân hàng ý tưởng, đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng cụ thể sản phẩm thực tiễn.
Là người trẻ nhất Quả cầu vàng năm nay, TS Phạm Huy Hiệu tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, chàng trai quê Nam Định tiếp tục làm tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện đại học Toulouse (Pháp). Cuối năm 2019, anh về nước và làm việc tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu.
Hiện TS Phạm Huy Hiệu là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, kiêm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (Trường đại học VinUniversity, là học giả nghiên cứu tại Trường đại học Illinois - Urbana Champaign (UIUC), Mỹ.
Ở tuổi 31, TS Hiệu đã công bố 45 bài báo trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Trong đó, có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, 16 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (13 bài là tác giả chính), 4 giải thưởng, huy chương quốc tế và trong nước.
TS Hiệu cũng là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 6 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Anh đã tham gia nghiên cứu một hệ thống phần mềm AI phân tích hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán và sàng lọc bệnh đã được triển khai trên 40 bệnh viện, xử lý 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng.
TS Hiệu bày tỏ: “Kỳ vọng của tôi là đất nước sẽ có một thế hệ các nhà khoa học trẻ hùng hậu, tài năng, có trí tuệ và khát vọng cống hiến mạnh mẽ để tham gia vào lực lượng dẫn dắt sự phát triển của công nghệ và khoa học đất nước. Đồng thời, tạo ra các giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đó là công việc đòi hỏi lòng tận hiến và đức hy sinh, nhưng đó là công việc thực sự có ý nghĩa”.
Đến dự và trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã biểu dương Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ liên tục trong 20 năm qua đã có sáng kiến và bền bỉ phối hợp tổ chức Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng và Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam. Bà đánh giá, Giải thưởng Quả cầu vàng đã ngày càng khẳng định uy tín, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học, nhất là các tài năng trẻ tiêu biểu, có thành tích xuất sắc, có nhiều công trình nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Giải thưởng Quả cầu vàng đã khẳng định trí tuệ Việt Nam cũng như vị thế của khoa học công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế. Lan tỏa sự đam mê, tinh thần sáng tạo, dấn thân trong khoa học cho thế hệ trẻ. Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam đã phát hiện, khích lệ nhiều thế hệ nữ sinh viên tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ; hun đúc tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học đối với sinh viên nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục - đào tạo.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị các nhà khoa học trẻ, sinh viên tài năng cần xem giải thưởng được nhận dịp này là một sự ghi nhận của đất nước cho những nỗ lực quan trọng. Từ đó có thêm động lực, năng lượng tích cực, không ngừng sáng tạo để tạo ra nhiều hơn nữa những công trình, sản phẩm khoa học có giá trị, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước…
10 gương mặt nhà khoa học trẻ đã được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023
Theo đó, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa có 3 gương mặt nhận giải, gồm: Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến, 34 tuổi, giảng viên, Trưởng Phòng Thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, 31 tuổi, giảng viên Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Trường Đại học VinUni. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, 33 tuổi, giảng viên Đại học Adelaide, bang Nam Australia.
Trong lĩnh vực công nghệ y - dược, các nhà khoa học trẻ được trao giải gồm: Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Quốc Duy, 34 tuổi, Phó Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, 34 tuổi, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ, Bác sĩ Trịnh Hoàng Kim Tú, 35 tuổi, nghiên cứu viên Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Lĩnh vực công nghệ môi trường có hai cá nhân đoạt giải, gồm: Tiến sĩ Lê Đình Anh, 34 tuổi, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải, 32 tuổi, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới có hai nhà khoa học: Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh, 33 tuổi, Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trọng Phước, 35 tuổi, giảng viên cao cấp khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ.
Nhân dịp này, 20 cá nhân cũng đã được trao Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023.