Xây dựng ý thức từ trẻ để tránh bệnh không lây nhiễm
Với cách sống và thói quen sinh hoạt như hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính... trở nên phổ biến và độ tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Theo ước tính, thanh niên từ 10 - 24 tuổi chiếm khoảng 21% dân số Việt Nam. Nếu không có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa sớm, bệnh không lây nhiễm cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nhóm dân số này.
Mới đây, Chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên Việt Nam (gọi tắt là YHP Vietnam) giai đoạn 2 đã được Bộ GD&ĐT, AstraZeneca và Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động. Đây là một sáng kiến đầu tư cộng đồng toàn cầu của AstraZeneca, tập trung vào thanh, thiếu niên với các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm phổ biến như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính. Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 12 năm 2025.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên giai đoạn 2023 - 2025 là một chương trình 3 năm nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm tuổi từ 10 - 24 thuộc quận Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh và Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Mục tiêu cụ thể của chương trình này nhằm bảo đảm giới trẻ ở Hà Nội được nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm, từ đó họ có năng lực để đưa ra những quyết định về vấn đề sức khỏe của họ, trong bối cảnh các dịch vụ y tế được cải thiện, hệ thống y tế và môi trường chính sách thuận lợi.
Được biết, sau 3 năm triển khai của giai đoạn 1, mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách của đại dịch COVID-19, Chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên tại Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu chính và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng đích. Trong đó có thể kể đến một số kết quả đáng khích lệ như: 81% thanh, thiếu niên tham gia Chương trình đã thể hiện sự tăng cường nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, 79% tăng cường nhận thức về từ 3 loại bệnh không lây nhiễm trở lên, và tỷ lệ thanh, thiếu niên có các hành vi tích cực về dinh dưỡng lành mạnh tăng 63%.
Lan tỏa những giá trị hạnh phúc trong người trẻ
Theo thông tin từ truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, TAND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết 231/356 vụ/việc xin ly hôn, tăng 51 vụ/việc so với cùng kỳ năm trước. Qua công tác thụ lý giải quyết cho thấy 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ có độ tuổi từ 38 trở xuống và hầu hết có con chưa thành niên... Trước thực trạng trên, huyện Châu Đức giao Phòng VH&TT, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ nghiên cứu tham mưu triển khai và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; đề xuất tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần thực hiện tốt công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình...
Thực tế này cũng đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, trong các gia đình trẻ. Theo thống kê của TANDTC, năm 2022 đã có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Trong số đó, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, môi trường khác nhau, những xung đột và bất đồng quan điểm... Do đó, vấn đề cung cấp kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình, đưa góc nhìn tích cực về đời sống hôn nhân tới các bạn trẻ là rất cần thiết.
Cuối tháng 9 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức Diễn đàn Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc chủ đề “Chạm để yêu thương”. Đây là hoạt động nằm trong Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2023 thiết thực triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2023.
Theo ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, bên cạnh những người có quan niệm tích cực về hạnh phúc hay hạnh phúc gia đình thì một số bạn trẻ lại có cái nhìn phiến diện, lệch lạc. Cụ thể hơn, sự phát triển của xã hội đã khiến không ít người trẻ rơi vào nhịp sống của sự ăn chơi, hưởng thụ, coi những thú tiêu khiển là niềm hạnh phúc thực thụ mà quên rằng, niềm vui chỉ có thể tạo nên từ sự nỗ lực, cố gắng trong đời sống thực tế, hoặc coi hạnh phúc là thứ mua được bằng tiền cùng quan điểm “mọi người phải vì mình”. Cũng theo ông Khuất Văn Quý, gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên trong gia đình về tổng hoà các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khoẻ, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình… Với người trẻ, hạnh phúc và hạnh phúc gia đình chính là tình yêu thương chân chính giữa người với người; hạnh phúc là được sống với những ước mơ, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ căng tràn nhựa sống, là được sống hết mình, được cống hiến và đón nhận tình cảm chân thành…
Ông Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Trung ương Đoàn bày tỏ mong muốn thông qua chương trình và những gia đình được tuyên dương là đại diện lan tỏa giá trị của hạnh phúc gia đình trẻ cho hàng triệu gia đình trẻ trên khắp đất nước. Đồng thời bổ sung những kiến thức kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên để từ đó kết nối tạo ra một xã hội tốt đẹp.
Theo kết quả Khảo sát toàn cầu về hành vi sức khỏe trẻ em năm 2019 tại Việt Nam do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện, so sánh kết quả khảo sát năm 2013 và 2019 cho thấy, tỷ lệ trẻ em ăn đồ ăn nhanh tăng lên; tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng; tỷ lệ trẻ em thừa cân ngày càng tăng; tỷ lệ trẻ nhẹ cân giảm 50% nhưng số trẻ thừa cân lại tăng từ 5,8% lên 10,6% vào năm 2019. Lần đầu tiên, cuộc khảo sát bao gồm một chỉ số về việc trẻ em tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 2,6% nhưng tăng vọt lên 7,9% ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của các biện pháp can thiệp để ngăn chặn các hành vi nguy cơ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu