Môn Sử - bao giờ hết buồn?

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLVN) - Theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2019, bên cạnh điểm trung bình các môn đều cao hơn năm trước thì vẫn còn những điều đáng nói vì một số môn có tỷ lệ điểm liệt, điểm thấp bất thường... Và môn Lịch sử trở thành môn “đội sổ” khi có điểm trung bình thấp nhất, thậm chí có tới hơn 15 nghìn thí sinh bị điểm “liệt”…

Tỉ lệ tốt nghiệp giảm gần 4%

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công. Theo kết quả công bố, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%). “Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70% nhưng con số này cho thấy kết quả đã phản ánh dần đến thực chất”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Một điều đặc biệt là độ chênh về điểm trung bình các môn thi trong năm nay rất lớn, môn cao nhất là Giáo dục công dân (7,37 điểm) môn thấp nhất là Lịch sử (4,30 điểm). Chính vì thế, chất lượng đề thi cũng là một vấn đề được đặt ra.

Phải thẳng thắn rằng, môn Giáo dục công dân (GDCD) hiện nay kể cả việc dạy và học đều “nhàn hơn” nhiều các môn còn lại nhưng điểm thi lại luôn cao chót vót. Phần lớn bài thi nằm ở điểm cận giỏi (7,75 điểm) trong khi các môn thi khác, có những môn đa phần thí sinh chỉ đạt điểm trung bình. Nhiều người cho rằng, sở dĩ môn GDCD dẫn đầu điểm cao bởi đây là môn học nhẹ nhàng, gắn liền với cuộc sống nên không mấy khó khăn với thí sinh…

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành giáo dục, kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ đại học, cao đẳng mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.

“Không phải năm nay 2 môn này mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Năm nay, khi phân tích phổ điểm, nhìn chung Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho các kỳ thi tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Ông Nhạ cũng cho biết phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy khi chủ trì tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông. 

Lỗi tại… môn chính, môn phụ

Nhận xét về điểm môn Sử tiếp tục đội sổ, cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, khi đọc đề thi Lịch sử năm nay, cô và các đồng nghiệp đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh, “nhưng cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất” .

Lí giải vì sao dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao, cô Huyền cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.

Môn Sử - nói mãi vẫn… thấp? (Ảnh minh họa).
Môn Sử - nói mãi vẫn… thấp? (Ảnh minh họa).

Chung quan điểm về việc môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng mức nhưng cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An lại lí giải từ khía cạnh sự hứng thú của học sinh với môn học này.

Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động - môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học Sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh.

“Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ. Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp. Thời gian trước đó các em dành cho các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là khối thi 3 môn Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ”, cô Hương chia sẻ. 

Tương tự, tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền cũng bày tỏ, giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn. 

Đồng cảm với những khó khăn của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, không thể để tâm lý “môn phụ-môn chính” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này. 

Môn Sử phải là tiêu chí để lựa chọn nghề?

Ở góc độ khác, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng… dẫn đến học sinh rất sợ, khó nhớ.

“Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”, GS Giang nhìn nhận. 

Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.

Hơn nữa, theo GS Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Do đó,  không thể nóng vội mà cần phải có lộ trình từng bước một.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay.

Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn. 

Đơn cử ở Canada, khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không? 

Trước mắt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới.

Theo Bộ trưởng Nhạ, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính-môn phụ” thì khó đổi mới được… 

Đọc thêm

Từ tác phẩm có câu từ phản cảm phát cho học sinh ở TP HCM: Cẩn trọng khi lựa chọn ngữ liệu học tập

Ngữ liệu học tập cần được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi của học sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV)
(PLVN) - Một trường quốc tế ở TP HCM trước kỳ lễ dài ngày vừa qua đã phát cho học sinh lớp 11 một tác phẩm văn học nước ngoài (được dịch sang tiếng Việt) tương đối nổi tiếng. Tuy nhiên, trong ngữ liệu học tập này có chứa những câu từ được nhiều người cho là phản cảm, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất bình. Nhà trường đã phải nhanh chóng thu hồi các ấn bản trên và xem xét lại quy trình tác phẩm được giới thiệu cho học sinh.

Câu hỏi bỏ ngỏ trước ngưỡng cửa đại học

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2024 đối với 137 trường đại học và học viện tại các tỉnh phía Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra (không bao gồm các trường quốc tế) có 35 trường đại học đang đào tạo đa ngành, tương đương với 25,5% trong tổng số. Trong đó gồm 15 trường có trụ sở tại Hà Nội (chiếm 43%) và 20 trường phân bố tại 16 tỉnh, thành phố khác (tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhất với 3 trường).

377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS

Olympics Tiếng Anh toàn thành phố năm nay chào đón 1288 thí sinh THCS đến từ 401 trường, và 1295 thí sinh tiểu học đến từ 490 trường tại Hà Nội (ảnh P.V)
(PLVN) -  Lễ tổng kết và trao giải Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Trải qua hai vòng thi ở mỗi cấp, Ban tổ chức cuộc thi Olympics Tiếng Anh thành phố Hà Nội đã lựa chọn ra 377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc để trao các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba và khuyến khích.

Bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý điều này

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 11/5 đến 17/5, tất cả thí sinh phải sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi qua địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để kiểm tra thông tin đăng ký dự thi, phản hồi các sai sót và đề xuất duyệt minh chứng đối tượng ưu tiên (nếu có) với đơn vị đăng ký dự thi...

Làm gì để 'gỡ' áp lực các kỳ thi đầu cấp?

Các kỳ thi vào lớp 1, lớp 6 đang ngày càng trở nên áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Ôn thi từ khi bập bẹ biết nói là câu chuyện phổ biến ở các trường tiểu học, THCS. Thay vì được học đúng độ tuổi, khả năng, hiện nay, nhiều gia đình đã hướng con cái đến các tiêu chuẩn học tập “ngoại cỡ”.

'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh' trong thế giới đa cực

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Theo báo cáo nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), khoảng 75% học sinh THPT thiếu hiểu biết cần thiết về các ngành nghề mà mình lựa chọn, theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này dẫn đến có khoảng 60% học sinh nhận thấy bản thân mình đã có lựa chọn sai lầm trong định hướng nghề nghiệp.