Không phủ nhận những mặt tích cực do công tác xét xử lưu động mang lại, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc xét xử lưu động có hiệu quả rõ rêt trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Những nơi không có truyền thông, báo, đài đến nhiều thì phiên tòa lưu động có tác dụng rất lớn
Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiệu quả nói trên phát huy chủ yếu ở thờ sau chiến tranh, những năm tháng còn khó khăn. Hiện nay, tác dụng này đã giảm dần trong bối cảnh báo chí, truyền thông ngày càng phát triển, đặc biệt ngành tòa án đã thực hiện việc công khai bản án trên mạng Internet.
Bên cạnh những mặt tích cực đó, hạn chế lớn nhất của việc xét xử lưu động là kinh phí cho các phiên tòa này rất tốn kém. “Chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ cho phiên tòa lưu động thì riêng ngân sách của ngành tòa án mỗi năm phải chi 70 tỷ đồng để xử lưu động. Nếu chúng ta dành 70 tỷ đồng này chi cho những việc khác thì sẽ mang lại tác dụng lớn hơn” - ông Bình cho biết.
Một khó khăn rất lớn của việc xét xử lưu động là phải đưa cả bị cáo, bị hại, người làm chứng... ra nơi đông người, rất khó khăn trong việc bảo đảm an toàn. Phiên tòa lưu động cũng không đảm bảo tính nghiêm túc trong khi đây là yêu cầu mà quốc gia nào cũng đặt ra đối với mọi phiên tòa.
Đặc biệt, theo Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình: Hạn chế lớn nhất là phiên tòa lưu động không đảm bảo quyền con người. Một người khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tòa án thì chưa phải là tội phạm. Trong khi đó, lại đưa họ về nơi cư trú xét xử, sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của các bị cáo, ảnh hưởng đến người thân, vợ con, gia đình họ.
"Không ít vụ án khi xét xử lưu động, các cháu là con bị cáo đã bỏ nhà đi hoặc có nhiều quyết định đáng tiếc khác." - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Từ những bất cập này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết ngành Tòa án đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), xin tổng kết việc xét xử các phiên tòa lưu động.
"Tháng 7 năm nay, TAND Tối cao sẽ báo cáo UBTVQH nhưng quan điểm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động nữa” - Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình khẳng định.