17 năm chỉ tích cực thụ án chỉ để chờ ngày về với vợ con, Nguyễn Văn Lâu (SN 1957, ngụ ấp Thuận An, xã Long Thuận, Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) không ngờ ngày về của mình lại buồn tủi đến thế: Không người đưa đón, căn nhà năm xưa đã thành nhà hoang, đổ nát sau khi bị cháy… Cuộc đời Lâu lần nữa rơi vào tận cùng khốn khổ.
Khát vọng phục thiện
Tuổi thơ của Lâu luôn là những chuỗi ngày khổ cực. Ngay khi lên tám tuổi cậu bé đã phải tự bươn chải để kiếm tiền cùng cha mẹ, chưa từng biết đến khái niệm trường học và bản thân không biết chữ. Lâu chỉ biết viết mỗi tên của mình nhờ nhiều ngày đứa em dạy đọc 3 từ “L – Â – U”. Gia đình có bốn miệng ăn mà cứ thiếu trước hụt sau, ở miệt biển Gò Công này, không có đất canh tác nên cuộc sống khổ cực trăm bề. Gia đình Lâu làm đủ nghề từ làm mướn, thu nhặt ve chai nhưng cái đói cái nghèo đã đành, còn thêm bệnh tật cũng không tha. Mẹ Lâu vướng phải căn bệnh quái ác ung thư gan thời kì cuối nên qua đời khi Lâu còn bé xíu.
Sau ngày mẹ mất, Lâu cùng cha làm mướn để kiếm sống và lo cho đứa em gái được ăn học hành đành hoàn như lời trăn trối của bà mẹ trước lúc chết. Thời thanh niên vốn làm việc chăm chỉ, ai kêu công việc gì cũng làm, không ngại cực ngại khổ, không ngại tiền công ít, cộng thêm tính nết lại hiền lành nên anh được mọi người xung quanh quí mến. Mỗi năm khi hết vụ mùa ở địa phương, anh thường đi đến miệt Đồng Tháp Mười để gặt lúa thuê và đã gặp một cô gái nhỏ hơn 5 tuổi, cũng là một cô gái cùng quê đi làm thuê.
Cảm mến chàng trai hiền lành chân chất, cô gái đem lòng yêu thương rồi hai người tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để hai bên gia đình gặp mặt nhau và để vợ chồng trẻ ra mắt hai bên gia đình.
Thương chàng rể nghèo, cha mẹ vợ cho vợ chồng một mảnh đất nhỏ để cất nhà ở. Nhờ chí thú làm ăn nên vợ chồng Lâu mua thêm được hai công ruộng, lần lượt đón bốn đứa con chào đời. Nhưng cảnh nhà nghèo, ruộng đất ít ỏi, con đông, bi kịch nghèo khổ lại một lần nữa đến với Lâu. Không vượt qua được thử thách nghiệt ngã và cám dỗ của cuộc sống, anh nông dân hiền lành, chăm chỉ chí thú làm ăn ngày nào giờ trở thành một gã nghiện rượu, cờ bạc, thường xuyên đánh đập, hành hạ vợ con. Không dừng lại ở đó, khi không có tiền đánh bạc Lâu lại sinh ra tật trộm cắp.
Ảnh minh họa. |
Năm 1989, Lâu bị toà án xử tù chung thân về hai tội giết người và trộm cắp tài sản. Thoát án tử hình, Lâu quyết tâm làm lại cuộc đời, những ngày thụ án ở tại giam Phước Hoà, Lâu mong mình sớm được mãn hạn tù bằng cách cố gắng lao động và cải tạo thật tốt; khao khát một ngày được về lại gia đình bên vợ con, sẽ lại là anh nông dân chất phác ngày nào.
Về phần vợ, tháng nào cũng vậy, cô vợ đều đến thăm chồng không quản nắng mưa và chị từng là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho Lâu làm lại cuộc đời. Tuy nhiên càng gần ngày mãn hạn tù, số lần vợ Lâu đến thăm chồng lại thưa dần, anh cũng chẳng hiểu vì sao mà cứ ngỡ do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên càng thông cảm và thương vợ nhiều hơn. Đầu tháng 2/2006, Lâu được giảm án tha tù. Dù không ai đón anh nhưng trên đường về nhà, trong lòng Lâu có biết bao kế hoạch và dự định làm lại cuộc đời.
Ước mơ đổ bể vì người vợ lăng loàn
Trở về quê, 17 năm không gặp lại nay ngôi nhà của vợ chồng Lâu không còn nữa, chỉ còn lại một khu cỏ mọc um tùm. Tìm hiểu anh được bà con chòm xóm cho hay vào tháng 4/2005 nhà đã bị cháy. Và một chuyện động trời khác mà anh được biết là Bùi Văn Thậm (ngụ cùng xóm) bấy lâu nay sống chung với vợ của anh tại nhà Thậm. Nhà cửa không còn, con cái li tán không rõ, vợ thì bỏ theo trai, hai công đất vợ chồng vất vả, khổ cực tạo lập thì người vợ đã cầm cố cho nhân tình tiêu xài. Tìm hiểu kỹ hơn, Lâu nghi vấn “tình địch” Thậm là người đốt nhà mình nên nuôi ý định trả thù.
Ước mơ làm lại cuộc đời của Lâu xem như đã tắt. Giận người vợ thiếu thuỷ chung và kẻ đã phá hoại hạnh phúc gia đình mình, một lần nữa Lâu lại thiếu suy nghĩ và nuôi ý định giết chết gã nhân tình của vợ. Ngày ngày Lâu mượn rượu giải sầu và “lập mưu”. Với cái án chung thân, về lại địa phương mọi người điều e ngại và lánh xa nên cuộc sống của anh ngày càng bế tắc.
Nhiều đêm Lâu đến nhà Thậm quan sát để tìm cơ hội ra tay sát hại thoả cơn ghen hờn nhưng không thực hiện được. Rạng sáng ngày 27/5/2006, Lâu mang theo khúc cây bạch đàn dài khoảng 40cm rồi mon men đến nhà tình địch. Qua vách nhà, Lâu thấy Thậm đang nằm ngủ bên ngoài mùng trong tư thế nằm nghiêng nên lén đi vào từ cửa sau, vác khúc cây đập mạnh vào đầu Thậm một nhát rồi đi về nhà ngủ. Sáng hôm đó, người ta thấy nạn nhân đã bất tỉnh nằm trên võng tại hành lang phía trước nhà, bị thương tích ở đầu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện Trung tâm tỉnh Tiền Giang để điều trị nhưng tám ngày sau đó đã tử vong do chấn thương sọ não.
Sau khi gây án, Lâu vẫn ung dung ở lại nhà vì nghĩ rằng không ai phát hiện ra việc làm của mình. Về hung khí, Lâu “hóa kiếp” khúc củi bằng cách biến thành củi nấu cơm.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, qua công tác khám nghiệm hiện trường các điều tra viên công an tỉnh Tiền Giang xác định đây là một vụ án giết người và đây là một vụ án khó vì hầu như không có vật chứng, nhân chứng, kẻ thủ ác cũng không để lại bất kỳ một dấu vết gì tại hiện trường. Nhưng với quyết tâm phải truy bắt cho bằng được kẻ thủ ác, qua công tác trinh sát công an đã có cơ sở xác định Lâu là nghi phạm số một vì ngoài Lâu ra, Thậm không có mâu thuấn lớn với ai. Việc điều tra đối với Lâu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì Lâu đương nhiên chối phăng.
Tuy nhiên bằng biện pháp nghiệp vụ tài tình và mỗi buổi làm việc đều được ghi hình, ghi âm nên các điều tra viên đã nắm bắt được tâm lý của kẻ phạm tội. Cuối cùng Lâu đành phải thừa nhận tội phạm, khai nhận tất cả hành vi phạm tội của mình.
Phiên xử đau đớn
Phiên toà lưu động xét xử bị cáo Lâu diễn ra tại xã Tân Thành thu hút rất nhiều người dân đến tham dự. Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Nguyễn Văn Lâu bị truy tố về tội giết người. Bị cáo thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn về hàng ghế thân nhân như muốn lưu giữ hình ảnh người cha già nua của mình ngồi ở đó. Đại diện gia đình bị hại là một ông lão đầu tóc bạc phơ vẽ mặt u buồn, có lẽ nỗi buồn mất con chưa nguôi. Điều thật trớ trêu hai ông lão từng là đôi bạn thân ngụ cùng xóm, giờ một người là cha của kẻ thủ ác, một người là nạn nhân.
Trước vành móng ngựa, Lâu cho biết đã phạm tội vì “hắn đã cướp vợ của bị cáo, chính hắn đã làm cho gia đình bị cáo li tán”. Nghe vị chủ tọa lý giải: “Ở đây bị hại không hề cướp vợ bị cáo, nếu vợ bị cáo không có tình cảm với Thậm thì không sống chung như vợ chồng với Thậm, còn việc làm cho gia đình li tán thì nên hỏi lại bản thân bị cáo, nếu bị cáo không vướng vào vòng tù tội, thì gia đình bị cáo sẽ không xảy ra như bây giờ?”. Lâu im lặng một hồi rồi trả lời: “Bị cáo đã nghỉ quẩn. Sự việc đã xảy ra rồi bản thân bị cáo không làm gì để bù đắp được, xin nhận mọi sự trừng phạt của pháp luật”.
Phiên tòa có một khoảng lặng sau khi nghe người cha nạn nhân phát biểu. Ông lão râu tóc bạc phơ nghẹn ngào xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. “Có xử nó như thế nào thì con của tôi cũng không sống lại được. Hơn nữa, về tình thì một phần nào con tôi đã không đúng, tôi lại không muốn người bạn già tội nghiệp kia cũng mất con như mình. Về phần trách nhiệm dân sự, tôi không yêu cầu thằng Lâu bồi thường khoản tiền nào cả”.
Những lời xin thứ tội của ông lão đã khiến HĐXX cân nhắc khá lâu. Thế nhưng nhận thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có một tiền án về tội giết người chưa được xoá án tích, được tha tù trước thời hạn lại không biết hoàn lương nên xét thấy không thể cải tạo được, Tòa tuyên phạt Lâu mức án tử hình.
Người vợ của Lâu hình như không có mặt trong phiên xử. Là nguyên nhân dẫn đến cái chết của tình nhân và mức án tử hình của người chồng, chẳng hiểu rồi ả có phải đối diện với phiên tòa lương tâm?.
Theo Pháp luật & Thời đại