Những phương thức mới tinh vi
Thời gian gần đây, tội phạm “tín dụng đen” bắt đầu hoạt động với phương thức mới, đó là chuyển sang cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng online trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo. Khi người vay truy cập vào các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, chụp ảnh giấy tờ tùy thân.
Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, còn lại trừ lãi và phí dịch vụ. Chúng còn tinh vi khi liên kết hàng chục ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, khi thấy người vay không có khả năng chi trả, chúng sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để tiếp tục vay mới, dần dần người vay sẽ rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay tiền với mức lãi suất tăng lên theo cấp số nhân.
Các đối tượng cho vay qua mạng internet với lãi suất lên đến 900%/năm. |
Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng khi người dân đến vay tiền thường là sẽ thỏa thuận miệng thông qua việc cung cấp bản photo giấy tờ tùy thân; lập hợp đồng vay “lách luật” không lãi suất bằng cách cộng cả gốc và lãi; hoặc cho vay dưới dạng chơi hụi trong thời gian ngắn.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường chia nhỏ các gói vay để thu lãi thấp tránh bị xử lý hình sự hoặc thu tiền gốc trước, sau khi người vay trả hết gốc thì tiếp tục thu lãi hoặc chuyển lãi thành tiền gốc.
Ngày 3/6/2024 vừa qua, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên phạt 5 bị cáo gồm: Nguyễn Minh Tùng (SN 1991, ngụ quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng); Nguyễn Văn Khánh (SN 1989) và Hoàng Công Hậu (SN 1995), cùng ngụ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Vi Văn Thọ (SN 1983) và Vi Văn Vinh (SN 1995), cùng ngụ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, với tổng mức án hơn 7 năm tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 12/2022 đến tháng 9/2023, các đối tượng trên đã cho 77 người dân trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng vay tiền với lãi suất từ 300 - 900%/năm, qua đó thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng.
“Về nguyên nhân tội phạm “tín dụng đen” có những biến tướng phức tạp, xuất phát từ nhu cầu của người dân muốn vay nhanh, ngắn hạn, các đối tượng đã nảy sinh hoạt động cho vay, hỗ trợ tài chính với lãi suất rất cao. Có thể nói, đa phần người tìm đến “tín dụng đen” thường không có công việc ổn định, có nhu cầu cấp bách sử dụng về tiền vào việc đột xuất hoặc cá biệt là các đối tượng cờ bạc, ma túy”, Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo chia sẻ.
Cần nâng cao tinh thần cảnh giác
Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”, nhất là vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao như dịp cuối năm, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” để người dân nâng cao cảnh giác. Đồng thời, cơ quan công an phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa về chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động vay vốn.
Lực lượng Công an Bạc Liêu tăng cường kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn tỉnh. |
Công an tỉnh Bạc Liêu cũng triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ trong việc xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo cho biết: “Thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự chủ động phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường nắm tình hình, rà soát các đối tượng, băng nhóm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê từ các địa phương khác đến hoạt động; các hành vi huy động vốn với lãi suất cao dưới hình thức chơi hụi, huy động tài chính dưới hình thức đa cấp, kinh doanh tiền ảo.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, quyết tâm không để tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp trên địa bàn”.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an trong đấu tranh, xử lý tội phạm và công tác phòng ngừa xã hội của các cấp, các ngành, mỗi người dân, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước những ưu đãi lãi suất, để không trở thành “con mồi” tiếp theo của các đường dây cho vay lãi nặng.