Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Tố Hằng cho biết: Dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, đồng thời sửa đổi, bổ sung phạm vi bồi thường trong các mảng hoạt động.
Trong hoạt động quản lý hành chính, Dự thảo Luật bổ sung 2 trường hợp được bồi thường: “Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống trái pháp luật” và trường hợp “áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trái pháp luật”. Trong hoạt động tố tụng hình sự, Dự thảo Luật bổ sung thêm 3 trường hợp được bồi thường gồm người bị bắt; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật.
Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, Dự thảo Luật bổ sung bồi thường các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng; ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trong hoạt động thi hành án hình sự, Dự thảo Luật bổ sung thêm trường hợp được bồi thường là không thực hiện quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc tha tù trước thời hạn đối với người bị kết án phạt tù.
Riêng trong hoạt động thi hành án dân sự, Dự thảo Luật bỏ quy định về “lỗi cố ý” đối với trường hợp “Không ra các quyết định về thi hành án” và “Không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án” tại Điều 38 Luật TNBTCNN 2009. “Việc sửa đổi như vậy là bởi quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có sự thay đổi về yếu tố lỗi của người gây ra thiệt hại. Bộ luật Dân sự 2015 không quy định lỗi là một yếu tố bắt buộc, đặt ra yêu cầu đối với Luật TNBTCNN là cần phải sửa đổi quy định về căn cứ xác định TNBTCNN, theo đó, lỗi không còn được coi là một yếu tố bắt buộc trong mọi trường hợp”, bà Hằng lý giải.
Đa số chuyên gia hoan nghênh những bổ sung trên nhưng cũng góp thêm nhiều ý kiến mong muốn hoàn thiện quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) Trần Văn Quảng lưu ý, Dự thảo Luật liệt kê 11 trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, song do phạm vi hoạt động quản lý hành chính là rất rộng, việc quy định theo cách liệt kê các trường hợp rất khó để bảo đảm khái quát được hết phạm vi bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Ông Quảng cho rằng nên quy định theo hướng ngược lại, tức là liệt kê các trường hợp không được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính hoặc nghiên cứu, bổ sung điều khoản “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, ông Quảng đề nghị bổ sung TNBTCNN trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị điều tra trái pháp luật và trong hoạt động thi hành án hành chính vào Dự thảo Luật.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí thì phân tích, Dự thảo Luật mới chỉ quy định phạm vi bồi thường là thiệt hại “do người thi hành công vụ gây ra” mà không quy định thiệt hại do cơ quan gây ra là không đầy đủ. Việc gây ra thiệt hại trong quá trình thực thi công vụ có thể do cơ quan hoặc do người thi hành công vụ, nếu không quy định các cơ quan công quyền mà chỉ quy định cá nhân người thi hành công vụ sẽ dẫn đến bỏ sót và khó áp dụng trong thực tiễn.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu