Địa phương vẫn có trách nhiệm trong quản lý địa bàn?
Báo PLVN đã có loạt bài đề cập về mô hình Tổng cục QLTT, trong đó có đưa ra những câu hỏi về việc Tổng cục QLTT sẽ quản lý các hoạt động của lực lượng QLTT tại các địa phương như thế nào khi ở quá xa và các Cục QLTT sẽ “quan hệ” với địa phương như thế nào.
Một cựu lãnh đạo Cục QLTT cũng đặt vấn đề về sự quản lý này khi khẳng định “quản lý nhà nước về thương mại gắn với người bán hàng. Ở trên địa bàn, lực lượng gắn chặt nhất với đối tượng này lại là chính quyền địa phương”. Vấn đề nêu trên vẫn tiếp tục được đưa ra trong các lễ bàn giao Chi cục QLTT về Bộ Công Thương diễn ra ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Ông Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dù bàn giao Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn về trực thuộc Bộ Công Thương nhưng nhiệm vụ trên địa bàn vẫn là trách nhiệm của địa phương.
Ông Vũ Quang Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Bình bày tỏ mong muốn, địa phương sẽ vẫn luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT. Theo ông, phải có sự phối hợp chặt chẽ như thế thì công tác phòng chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại mới có hiệu quả.
Ông Lê Hồng Hà, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Gia Lai lại đưa ra đề nghị, lực lượng 389 địa phương vẫn nên để Chi Cục trưởng QLTT làm phó ban và có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ với nhau. Ngoài ra ông Hà cũng kiến nghị Bộ Công Thương cấp con dấu cho lực lượng QLTT để thuận tiện và kịp thời cho việc xử lý vi phạm và kiểm soát hàng hóa trong thời kỳ chuyển giao khá phức tạp này.
Đại diện của Chi cục QLTT Khánh Hòa cho rằng, với mô hình hoạt động mới nên phân cấp đào tạo cán bộ để quản lý nhiệm vụ mới. Vị đại diện này cũng đặt ra câu hỏi là các tổ chức Đảng, đoàn thanh niên và đặc biệt là công đoàn ngành sẽ sinh hoạt ở đâu?
Có thể thấy, về hình thức, lực lượng QLTT các tỉnh sẽ do Tổng cục QLTT quản lý, phân công công tác và bố trí lực lượng thực thi nhưng các địa phương cũng vẫn “ghé vai” gánh trách nhiệm quản lý địa bàn cùng lực lượng này. Và chính lực lượng này cũng vẫn mong muốn vẫn sẽ tiếp tục “quan hệ” với địa phương như cũ để công tác QLTT hiệu quả hơn.
Tổng cục QLTT thể hiện vai trò như thế nào?
Trước những vấn đề mà lực lượng QLTT các tỉnh đưa ra, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đồng tình, lực lượng QLTT phải luôn gắn chặt với địa phương và không thể tách rời. Tổ chức hành chính mới sẽ tổ chức các Cục QLTT tại địa phương sau đó sẽ làm đề án giảm 19 Cục để cả nước sẽ chỉ còn 43 Cục QLTT. Về mô hình sinh hoạt Đảng, Thứ trưởng An thống nhất “các Cục QLTT mới sẽ sinh hoạt với cấp ủy Đảng địa phương và do địa phương phân công tạo điều kiện”.
Thứ trưởng An cho rằng, dù trực thuộc Bộ Công Thương hay trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố thì bản chất hoạt động của lực lượng QLTT không hề thay đổi. Đó là thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống các vi phạm về giá, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với một nguyên tắc bất di bất dịch là “không dời sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trung ương và cơ quan chủ quản”.
Cũng theo Thứ trưởng, gian lận thương mại ngày càng sử dụng nhiều hình thức hiện đại và tinh vi, kéo theo đó là sự phát triển quá nhanh của thương mại điện tử với mức tăng trưởng cao (trên 25%), do đó công tác QLTT ngày một khó khăn và gian nan hơn đòi hỏi lực lượng QLTT phải nâng cao về công nghệ, năng lực nghiệp vụ phối hợp với liên ngành với các đơn vị tại địa phương tiếp tục đấu tranh chống gian lận…
Dù đã nhận đủ bàn giao từ các địa phương với đầy đủ cơ sở vật chất, con người nhưng Thứ trưởng Đặng Hoàng An vẫn mong muốn sau khi bàn giao, các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đội QLTT, duy trì các điều kiện như cũ để các đơn vị hoạt động.
Các lực lượng thực thi quản lý địa bàn vẫn bày tỏ mong muốn được tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, người lãnh đạo cao nhất về hoạt động QLTT cũng khẳng định “lực lượng QLTT vẫn phải luôn gắn chặt với địa phương” và “các địa phương tiếp tục quan tâm, duy trì các điều kiện như cũ với lực lượng QLTT”. Vậy Tổng cục QLTT sẽ thể hiện vai trò của mình trong công tác QLTT như thế nào?