Cần lan tỏa các mô hình giao thông xanh
Mới đây, tại Hội thảo quốc gia “Chia sẻ kinh nghiệm mô hình quản lý xe đạp - xe máy chia sẻ” diễn ra trực tiếp và trực tuyến do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Dự án SolutionPlus (hợp phần Việt Nam) và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã thảo luận và thống nhất quan điểm “chia sẻ phương tiện di chuyển là một giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”. Đáng nói, chia sẻ các phương tiện giao thông điện như xe máy, xe đạp điện cũng nhằm thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang giao thông xanh, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, ông Trần Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông Vận tải, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. “Đây là một xu hướng quốc tế và các địa phương cần thể hiện sự đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển giao thông xanh”, ông Dương cho biết.
Để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, bền vững, hướng tới đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2025 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí methane của ngành Giao thông Vận tải. Một nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện là phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện tại địa phương.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tích cực trong việc áp dụng và thúc đẩy các sáng kiến giao thông điện và giao thông xanh. Đơn cử, kể từ tháng 6/2022, TP Huế đã bắt đầu thực hiện thí điểm tuyến xe đạp chia sẻ công cộng thông minh trong địa bàn, quá trình thí điểm chia thành 3 giai đoạn. Cho đến tháng 12/2023, quá trình thí điểm sẽ hoàn tất vận hành hệ thống tổng thể, tích hợp các tính năng của ứng dụng và quản lý, các vị trí tiếp cận thuận lợi cho người sử dụng; liên kết với các phương tiện công cộng như nhà chờ xe buýt, bến bãi đỗ xe, bến thuyền; các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng nghề, phố cổ, nhà vườn.
Một giải pháp đáng chú ý khác là Dự án xe điện 4 bánh chuyên dùng thu gom rác trên địa bàn TP Huế, do UNDP viện trợ và với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Vào tháng 5/2023, UBND TP Huế đã tiếp nhận 06 xe điện bốn bánh chuyên dùng thu gom rác thải từ UNDP và đưa vào thí điểm sử dụng. Chính quyền địa phương khẳng định, việc thí điểm thay một số phương tiện thu gom thủ công, xe tải động cơ đốt trong bằng xe điện 4 bánh chuyên dùng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng và mong muốn của TP Huế nói riêng cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh.
Bên cạnh các tour tuyến xe điện phục vụ du khách tham quan các khu di tích, điểm đến tại Huế, các dịch vụ cho thuê xe máy điện, xe đạp điện cũng đang ngày càng tăng lên trong thời gian qua. Số lượng người dân và du khách ý thức được về việc sử dụng xe điện bền vững đang ngày càng tăng lên ở địa phương này.
Cần chính sách kịp thời
Có thể thấy, những chính sách kịp thời cùng với quyết tâm cao độ của chính quyền các cấp sẽ tạo ra nguồn động lực lớn cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội cùng nhau xây dựng một nền giao thông xanh, sạch mà chính họ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Các mô hình thành công về chia sẻ xe máy, xe đạp điện và chuyển dịch sang các phương tiện giao thông điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế là kinh nghiệm đáng lan toả cho các tỉnh, thành khác học hỏi.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam cho biết: “Trong hơn 2 năm qua, với sự hỗ trợ bởi Chính phủ Nhật Bản, UNDP đã và đang thực hiện các hỗ trợ, sáng kiến nhằm tạo hệ sinh thái dành cho xe điện và phát triển giao thông xanh ở cấp quốc gia và triển khai một số mô hình thí điểm chuyển đổi giao thông điện tại cấp địa phương, thúc đẩy giao thông bền vững. Mô hình chia sẻ là một phần quan trọng kết nối bảo đảm thông suốt của giao thông công cộng tại các đô thị, vì vậy chúng ta cần xem xét, đầu tư và hỗ trợ mô hình chia sẻ này như một phần tất yếu của giao thông công cộng”.
Ông Lai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách, thể chế, quy hoạch đô thị, công nghệ, tiêu chuẩn, bảo dưỡng và vận hành, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, phương thức quản lý và huy động các nguồn lực xã hội. Các vấn đề này đều là những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của các mô hình được chia sẻ, cũng như thúc đẩy phát triển phương thức di chuyển này tại các đô thị Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Đạt, chuyên gia thể chế giao thông của UNDP khẳng định việc xây dựng môi trường thuận lợi và quy định rõ ràng có vai trò rất quan trọng để khuyến khích sự phát triển của hệ thống này. Các kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cũng nhấn mạnh tới sự phối hợp giữa chính quyền cấp quốc gia, chính quyền địa phương, các công ty tư nhân trong lĩnh vực giao thông, công ty công nghệ, tổ chức tài chính và các tổ chức hỗ trợ phát triển, cùng với sự quan tâm và sử dụng của người dân, cũng là những điểm cần thiết trong quá trình phát triển mô hình chia sẻ xe điện.