Ngay phần mở đầu, Bộ trưởng đã thừa nhận trách nhiệm của mình đối với những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong lĩnh lực cấp phép, du lịch...
Về cơ sở xây dựng quy hoạch Sơn Trà, Bộ trưởng cho biết việc xây dựng quy hoạch này được thực hiện theo các quy định hiện hành,.. Trong quá trình xây dựng bộ phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, lấy ý kiến 11 bộ ngành, thẩm định của các chuyên gia... Tổng diện tích bán đảo Sơn Trà có hơn 4000ha, quy hoạch này chỉ điều chỉnh hơn 1000ha phù hợp với quy định của diện tích của 1 khu du lịch quốc gia. Khi chưa có quy hoạch, tổng số phòng trong các dự án vào khoảng 5000 phòng, bản quy hoạch này đã rút xuống còn 1600 phòng. Về các ý kiến phản biện thời gian qua, tinh thần của Bộ là cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý để bảo vệ gắn với phát triển bền vững Sơn Trà.
Đại biểu QH quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cơ sở xây dựng quy hoạch Sơn Trà, |
Bộ trưởng nói: Với tư cách là người trưởng ngành, tôi xin nhận trách nhiệm của mình đối với những sai sót của ngành.
Là một trong những ĐB thuộc nhóm ĐB đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ĐB Cao Thị Xuân đặt câu hỏi với Bộ trưởng về năng lực cán bộ trong câu chuyện 'lùm xùm' xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu biễn.
Bộ trưởng thừa nhận: Sự việc xảy ra vừa rồi, do năng lực cán bộ. Năng lực cán bộ tốt đã không xảy ra chuyện như vậy. Chuyện thu hồi 5 bài hát rồi cho lưu hành lại, rồi chuyện cập nhật 324 bài hát lên website… đó là những cái sai không đáng có, sai về nghiệp vụ. những nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý nhà nước, rồi chuyện ở Tổng cục Du lịch... đó cũng là về năng lực cán bộ…
Bộ trưởng khẳng định: "Chúng tôi đã nhận trách nhiệm, đề ra các giải pháp. Chúng tôi đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tại đâu, trên cơ sở đó, sẽ đào tạo, bồi dưỡng trình độ, đạo đức cán bộ. Thậm chí là thuyên chuyển công tác khi vị trí đó không phù hợp với năng lực của người đó.
Cũng trong phần trả lời đầu phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã nói đến việc bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống, các biện pháp để chấn chỉnh nạn hướng dẫn viên du lịch chui dẫn đến thất thu ngân sách...
Phiên chất vấn của Bộ Trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tập trung vào các vấn đề như: quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Sẽ có các Bộ trưởng, trưởng ngành "tiếp sức" cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện |
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình nếu các đại biểu Quốc hội yêu cầu (nếu có).
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng.
Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và các văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của Ngành để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập của đất nước...
Tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.
Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.