Trong Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến, nhiều quy định “mở” hơn đã được đưa ra với hy vọng hút được nguồn vốn ngoại nhằm giúp các TCTD có điều kiện cơ cấu lại.
Bank of Tokyo-Mitsubushi UFJ là nhà đầu tư chiến lược đang nắm giữ 20% cổ phần của Vietinbank. (Ảnh minh họa) |
“Hút” và “giữ” vốn
Theo Dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài có đủ quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật Việt Nam, được chuyển ra nước ngoài các khoản thu nhập từ đầu tư mua cổ phần, các khoản thu từ chuyển nhượng cổ phần, được quyền tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát, người điều hành của TCTD cổ phần theo quy định tại điều lệ của TCTD...
So với Nghị định 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng thương mại Việt Nam trước đây, Dự thảo cũng hạ điều kiện tham gia mua cổ phần với tỷ lệ lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi quy định chỉ cần tổng tài sản là 10 tỷ USD (trước đây là 20 tỷ) với trường hợp tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư từ 10% cổ phần của TCTD trong nước trở lên, điều kiện tổng tài sản 20 tỷ USD chỉ áp dụng cho trường hợp đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc đối với đối với nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam trở lên. Việc mua cổ phần không được gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD Việt Nam, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Nhà đầu tư chiến lược phải có văn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD Việt Nam.
Đặc biệt theo Dự thảo, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình tại TCTD Việt Nam cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ thời điểm trở thành nhà đầu tư chiến lược của TCTD Việt Nam ghi trong văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của một TCTD Việt Nam không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác trong thời hạn tối thiểu 3 năm kể từ khi sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của TCTD đó.
Tiền đề cho M&A mạnh mẽ
Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Việc sở hữu quy định nói trên bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chuyển đổi của TCTD Việt Nam, khi chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần, điều kiện sở hữu cổ phần theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, hành lang pháp lý để cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phiếu của TCTD trong nước tại Dự thảo đã “thoáng” hơn rất nhiều so với các quy định trước đây, đặc biệt là với các TCTD thuộc diện cần tái cơ cấu khi cho phép tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể vượt mức giới hạn hiện tại là 30% vốn điều lệ trong những trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện lộ trình tái cơ cấu TCTD.
Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tỷ trọng lớn gần đây mới chỉ xuất hiện chủ yếu ở các tổ chức kinh tế phi tài chính và một số TCTD hàng đầu (nhà đầu tư Mizuho Corporate Bank Ltd ở Vietcombank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) ở Vietinbank).
“Nếu các quy định nói trên trong dự thảo nghị định được thông qua sẽ thúc đẩy xu thế M&A ở các tổ chức tài chính yếu kém là đối tượng cần xử lý chính của chương trình tái cơ cấu TCTD” – ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia tài chính độc lập, nhận định – “Đây là các trường hợp đầu tư rủi ro cao do phần lớn các TCTD này có tỷ lệ nợ xấu cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp... Việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao giúp cho họ có thể quản lý và điều hành trực tiếp, góp phần thúc đẩy hiệu quả tiến trình tái cơ cấu các TCTD này”.
Lê Vân