Quy định đổi giờ làm, giờ học từ hôm nay sẽ tạo ra một thói quen sinh hoạt mới đối với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này vẫn còn không ít vấn đề cần quan tâm bởi đổi giờ học, giờ làm, mọi sinh hoạt thường nhật cũng phải đổi theo.
Từ hôm nay, học sinh Hà Nội có giờ học mới. |
Buổi sáng ăn gì?
Căn cứ theo quyết định đổi giờ học, giờ làm của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chính thức từ ngày hôm nay, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở học từ 8h và kết thúc vào lúc 17h.
Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày. Các cơ quan, tổ chức của Trung ương, thành phố, quận huyện, xã phường, thị trấn bắt đầu làm việc vào 8h và kết thúc vào 17h. Các trung tâm thương mại dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm từ 9h và kết thúc sau 19h. Nhà máy, xí nghiệp làm theo ca, lực lượng vũ trang nhân dân… giữ nguyên thời gian làm việc như hiện tại.
Với quy định này, rất nhiều gia đình và đặc biệt là các bậc phụ huynh không khỏi bất ngờ bởi tâm lý nhiều người cho rằng mới là chủ trương và kế hoạch chứ chưa thực hiện ngay. Chị Trần Thị Bình (ngõ 58 phố Trần Bình, Cầu Giấy) có một con học lớp 10, một con học mẫu giáo nhưng chồng lại công tác xa nhà nên rất lo lắng: “Ông xã xa nhà nên mọi việc ở nhà đều do chị gánh vác. Hôm mới nghe về quy định này nhưng không ngờ là hôm nay (1/2) đã áp dụng. Cả nhà đang phải họp gia đình để sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý”.
Chị Bình làm việc tại một cơ sở y tế nên lịch làm việc bắt đầu lúc 8h và tan lúc 17h nhưng hai con chị lại có lịch học khác. “Lo bữa sáng cho hai đứa và ông bà nữa sẽ rất vất vả. Mỗi đứa ăn một kiểu đã đành, ông bà thì không thể thiếu bữa sáng được vì các cụ rất đúng giờ trong việc ăn uống ”, chị Bình nói thêm.
Cũng theo người mẹ này, trong khu nhà chị có rất nhiều chị em phụ nữ lo lắng câu chuyện bữa ăn sáng cho các con và gia đình theo thói quen hàng ngày.
Chị Bình giãi bày: “Muốn chuẩn bị bữa sáng và thực phẩm cho cơm chiều thì phải chuẩn bị trước vì trưa không có thời gian. Buổi sáng sớm thì chợ chưa có người bán, đi muộn thì không đủ thời gian nấu ăn. Đưa con gái đi học sớm thì sợ con bơ vơ ở trường chờ đợi giờ vào lớp, đưa con đến đúng giờ thì bản thân lại muộn giờ làm. May mà đón con còn có ông bà nhưng có phải nhà nào cũng có thể nhờ được đâu”. Có lẽ vì câu chuyện đổi giờ học, giờ làm mà suốt mấy ngày nay, câu chuyện buổi sáng ăn gì của chương trình “Táo quân cuối năm” được các bà nội trợ bàn tán “rôm rả” hơn cả.
Đổi giờ đổi... sức khỏe?
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, sẽ có khoảng 900 trường và hơn 500.000 học sinh (trong tổng số 2.500 trường và gần 1,5 triệu học sinh TP) nằm trong diện bị điều chỉnh giờ học. Trong số này, có hơn 9 vạn học sinh THPT và 35.000 em trong số này học ca chiều.
Tuy nhiên, trước quy định đổi giờ học này, một hiệu trưởng nhà trường nằm trong diện đổi giờ bày tỏ băn khoăn: “Thông thường, học sinh cấp 3 mỗi ngày đi học có 5 tiết học, có lớp học một buổi, có lớp phải học thêm ca chiều 3 tiết. Do thời lượng học khác nhau nên giờ tan cũng khác nhau nên khi đưa ra thời gian kết thúc buổi học chiều sau 19h là quá muộn. Nhất là vào thời điểm mùa đông của miền Bắc rất lạnh và tối, các em dậy sớm đến trường đã vất vả và về nhà muộn lại càng vất vả hơn. Chuyện đón con khó khăn vì giờ tan làm sớm hơn giờ tan việc của phụ huynh tới hơn một tiếng không phải là dễ dàng”.
Đón nhận quy định đổi giờ học, nhiều bậc phụ huynh ngay lập tức tỏ ra lo lắng cho việc đổi mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình nhưng hơn cả là sức khỏe của các em. Một phụ huynh tên Việt bày tỏ: “Đổi giờ học, khổ nhất vẫn là các em học sinh mà thôi. Hơn nữa, học sinh chủ yếu chỉ có buổi tối để ôn bài và chuẩn bị bài mới cho hôm sau nên 19h tan học, về nhà, sinh hoạt và ăn tối cũng đã phải 21h. Vừa mệt, vừa muộn nên e rằng các cháu sẽ rất ít thời gian nghỉ ngơi”.
Nhiều trường học bày tỏ, họ không thể “nhốt” học sinh ở trường sau khi tan học để chờ các phụ huynh đến đón theo quy định. Đặc biệt là nhiều trường có học sinh ở xa, việc tan muộn đem đến nhiều lo lắng vì sợ đường xa, đi lại bất tiện và nguy hiểm cho các em.
Ông Đỗ Đức Hòa (Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung) thẳng thắn: “Thời gian kết thúc buổi học chiều muộn không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà cả giáo viên. Từ khi có thông báo thay đổi giờ học, giáo viên rất lo lắng bởi nhiều thày cô ở xa. Đến trường lúc 6h45 và tan lúc 19h thì về nhà lo cho gia đình cũng đã muộn, thời gian cho soạn bài và chăm sóc gia đình là cả một vấn đề lớn đang đặt ra cho nhiều gia đình thời gian tới”.
* 10 quận và 2 huyện đổi giờ làm Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, từ hôm nay (1/2/2012), Hà Nội sẽ điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học ở 10 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. * Giờ chạy xe buýt cũng điều chỉnh Theo phương án triển khai đổi giờ vừa được Sở GTVT Hà Nội đưa ra, từ ngày 1/2, Sở GTVT sẽ điều chỉnh giảm, giãn cách giờ chạy xe buýt giờ cao điểm sáng và chiều thêm 60 phút. Cụ thế, nếu giờ cao điểm sáng của xe buýt hiện nay từ 6h30 đến 8h30 sẽ được điều chỉnh lại từ 6h đến 9h, chiều từ 16h30 đến 18h30 điều chỉnh lại từ 16h30 đến 19h30. Đối với giờ vào và tan học của học sinh, ngoài xe buýt vận chuyển cố định sẽ được tăng cường các tuyến buýt nhanh để giải tỏa học sinh giờ cao điểm. Với xe buýt chạy vào các khung giờ còn lại vẫn giữ nguyên tần suất để đảm bảo phục vụ cán bộ công chức, viên chức trung ương và Hà Nội trong thời gian làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều. Riêng với 12 tuyến buýt có đông hành khách và chạy qua gần 30 trường ĐH,CĐ như 02, 16, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được tổ chức chạy thêm từ 11 đến 37 chuyến lượt ngày khi thực hiện đổi giờ. |
Uyên Lê