Thực trạng tài chính tại các đơn vị thành viên trước thời điểm sáp nhập được xem là “đen tối”, không có lối thoát. Tuy nhiên, khi công ty “mẹ” bỏ tiền “cứu” công ty “con” để duy trì sự sống thì mọi việc cũng không vì thế mà bình yên…
Một trong những công trình do Vinawaco thi công |
Bộ Giao thông Vận tải (GVTV) đã yêu cầu Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) trong tháng 8 báo cáo bộ này liên quan đến đơn kiến nghị của tập thể cán bộ, công nhân viên Chi nhánh Vinawaco – Công ty nạo vét đường biển 1 (gọi tắt là chi nhánh) về việc chuyển đổi chủ sở hữu tài sản, phương tiện và thiết bị sau khi sáp nhập đơn vị này về tổng công ty…
Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Vinawaco, ông Nguyễn Huy Hiền, cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của cán bộ, công nhân viên, ban lãnh đạo Vinawaco đã có buổi làm việc với phía chi nhánh. Sau buổi làm việc này, HĐTV Vinawaco đã ra thông báo kết luận ngày 9/8/2012 về giải quyết khiếu nại tại đây.
Thông báo này cho thấy, việc sáp nhập Công ty nạo vét đường biển 1 vào Vinawaco được thực hiện theo Quyết định số 3127 của Bộ GTVT, hoàn toàn không có chuyện “ép” Công ty nạo vét đường biển 1 sáp nhập về Vinawaco như thông tin phản ánh.
Bộ GTVT cũng đã ra quyết định thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng đường thủy - trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý điều hành của tổng công ty và chi nhánh, ban điều hành dự án. “Việc sáp nhập là xuất phát từ nhu cầu đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp của Vinawaco và Công ty nạo vét đường biển 1”, ông Hiền, cho hay.
Về tình hình tài chính, trước khi sáp nhập về tổng công ty, chi nhánh này “đắm chìm” trong nợ nần, thua lỗ. Tại thời điểm bàn giao (31/10/2007), tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là hơn 199 tỷ, trong đó nợ phải thu là 12,4 tỷ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 71,9 tỷ, tài sản cố định 59,6 tỷ. Riêng khoản nợ vay ngắn hạn là hơn 28 tỷ, vay dài hạn là 72,1 tỷ, phải trả khách hàng và người mua trả trước hơn 51 tỷ. Theo đó, trước khi sáp nhập vào tổng công ty, lỗ lũy kế của chi nhánh tính đến 31/10/2007 là 44.624 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các khoản công nợ khó đòi, doanh thu một số công trình giảm…
Tuy nhiên, sau khi “châu về hợp phố” theo Quyết định 3127, Vinawaco đã thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ chi nhánh giữ tàu, không để ngân hàng phát mại, hỗ trợ vốn sửa chữa thiết bị đảm bảo điều kiện sản xuất, như trả nợ trực tiếp cho ngân hàng 64,1 tỷ, cho vay sửa chữa tàu Long Châu 17,7 tỷ đồng.
Đại diện Vinawaco nói rằng, theo quy định, công ty mẹ phải đăng ký lại chủ sở hữu thiết bị, tuy nhiên đến nay việc đăng ký lại thiết bị thực hiện quá chậm có thể gây thiệt hại cho chi nhánh và tổng công ty. Việc đăng ký lại chủ sở hữu thiết bị là thực hiện theo thủ tục bắt buộc sau khi sáp nhập, không đồng nghĩa với việc điều động thiết bị hiện do chi nhánh quản lý về cho đơn vị khác.
Để xảy ra tình trạng khiếu kiện, thông báo ngày 9/8/2012 của Vinawaco khẳng định, “nhiều cán bộ công nhân viên chưa hiểu đúng về tình hình sản xuất kinh doanh, đổi mới doanh nghiệp của tổng công ty, của chi nhánh”.
Liên quan đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng giám đốc Vinawaco, ông Lưu Đình Tiến, cho biết, hiện nay Bộ GTVT đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinawaco theo Quyết định số 1593, ngày 9/7/2012. Theo quyết định này, chi nhánh Tổng công ty xây dựng đường thủy – Công ty nạo vét đường biển 1 là đơn vị hạch toán kinh tế phụ thuộc công ty mẹ.
Liên quan đến tình hình tài chính của Vinawaco, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, thực chất thông tin về Vinawaco thời gian qua còn có sự sai lệch, chỉ có một vài đơn vị thua lỗ còn công ty mẹ vẫn làm ăn có lãi. |
Như Trang