Trong báo cáo thường niên gần đây nhất, Ocean Group - một tập đoàn có trải nghiệm phong phú về M&A (mergers - sáp nhập và acquisitions - mua lại) nhận định thẳng thắn, rằng, ngay khi nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế là thời điểm thích hợp để triển khai hoạt động M&A vì sẽ có nhiều cơ hội mở rộng và phát triển thương hiệu của tập đoàn này trên khắp cả nước và ra quốc tế…
Nhận định rằng trong 6 tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo, hoạt động M&A ngành tài chính, ngân hàng sẽ sôi động hơn, nhưng Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, ở thời điểm này, thực hiện được một thương vụ M&A “ngon ăn” cũng không hề đơn giản…
“Miếng mồi” ngân hàng tái cấu trúc
Trong lộ trình tái cấu trúc, số lượng các NHTM sẽ được giảm từ 39 hiện tại còn 13 - 15 ngân hàng vào năm 2017. Thị trường M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn được dự báo sẽ nhộn nhịp, do yêu cầu thoái vốn theo đúng lộ trình của các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất năm 2015.
Vì thế, các “ông lớn” từng chống lưng cho các ngân hàng như PVN (giữ 20% tại OceanBank), EVN (giữ 21,7% tại ABBank), Petrolimex (giữ 40% tại GP Bank)… cũng phải tìm cách chào bán và bán bằng được số cổ phần đang nắm giữ, dù lúc này, khi thị giá đang thấp, giải bài toán bán được cổ phiếu – bảo toàn vốn nhà nước như thế nào vẫn đang là đề tài hóc búa cho các tập đoàn.
Những thương vụ thoái vốn của ngân hàng cũng là “tiêu điểm” được thị trường mua bán, chuyển nhượng để tâm. EVN thoái vốn khỏi ABBank bằng việc thông báo bán đấu giá theo hình thức bán lô lớn, với giá khởi điểm cao hơn giá giao dịch ABBank trên thị trường OTC, là 10.000 đồng/cổ phần.
Dù mức giá EVN đưa ra bị cho là khó khả thi trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay, nhưng nhiều người vẫn tin EVN có thể thoái vốn thành công, do trong những năm vừa qua, hoạt động mua bán ngân hàng vẫn diễn ra âm thầm nhưng mạnh mẽ. Ví như tại Sacombank chứng kiến sự đến và đi của ông Đặng Văn Thành, Trầm Bê, Eximbank và một số nhà đầu tư tổ chức, cá nhân khác. Tương tự ở Techcombank với sự tham gia của ông Hoàng Quang Vinh, ông Lê Kiên Thành, bà Nguyễn Thị Nga, ông Hồ Hùng Anh…
Một thương vụ M&A “thật mà như mơ” diễn ra mới đây chính là sự “biến mất” của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thay bằng sự xuất hiện của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam thông qua phương án tái cơ cấu với khoảng 252 triệu cổ phiếu (tương ứng với hơn 84% vốn của ngân hàng này), và giờ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam được điều hành bởi Tổng giám đốc Phan Thành Mai, đồng thời là Tổng thư ký Vnreal, cùng một cổ đông lớn là “đại gia” trong lĩnh vực xây dựng – tập đoàn Thiên Thanh.
Cơ hội tính chuyện dài lâu?
Nhận định của Bộ Công Thương trong một báo cáo gần đây cho thấy, các lĩnh vực khác như thực phẩm và đồ uống… cũng sẽ chứng kiến làm sóng M&A vào thời gian tới do có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó, tín hiệu dần gỡ khó về chính sách là điểm nhấn nổi bật.
Ocean Group – một trong những tập đoàn chú trọng và gặt được không ít thành công qua các thương vụ M&A, đã coi M&A là một lựa chọn, một hướng đi. Lấy ví dụ từ hoạt động của OCH – công ty con của Tập đoàn này. Năm 2012, OCH mở rộng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm qua việc mua Cty CP Bánh Givral với việc tham gia góp 98% vốn điều lệ công ty này. Kết thúc năm tài chính 2012, thương hiệu Givral đóng góp tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất của OCH, tương ứng 40,2%.
Thời điểm kinh tế khó khăn cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh tìm kiếm cơ hội mua lại, sáp nhập để mở rộng quy mô với chi phí rẻ và điều kiện được ưu đãi do Chính phủ các nước nới lỏng quy định, tạo điều kiện để thúc đẩy hoạt động M&A nhằm hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu trong nước. Chỉ riêng trong quý I/2013 đã có tới 10 thương vụ đầu tư nước ngoài, điển hình như Quỹ đầu tư KKR của Mỹ nâng sở hữu từ 10% lên 18% tại Masan Consumer, với giá trị tăng thêm là 200 triệu USD. Mekong Capital thoái 6,7% vốn cổ phần tại CTCP Thế giới di động cho một nhà đầu tư tài chính với giá lên tới 110 triệu USD….
Dữ liệu của Bộ Công thương cho thấy, Nhật Bản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong đầu tư cổ phần vào các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các thương vụ lớn, nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam ở những ngành chuyên sản xuất - kinh doanh một số sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, Tập đoàn Shidax đầu tư mua lại 35% cổ phần của Galaxy TSC, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống trọn gói….
(còn tiếp)
H.Thủy – M.Hoa