Từ phim đầu tay “Thuyền và bến” gây tiếng vang với thủ pháp nghệ thuật rất riêng, đến nay, tên tuổi Lưu Trọng Ninh đã gắn bó với điện ảnh Việt Nam qua “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng”, “Canh bạc”, “Hãy tha thứ cho em”, “Khát vọng Thăng Long”... Sớm dính “đòn” dư luận nhưng “ngựa hoang” vẫn chưa bao giờ mỏi gối, vẫn rất bạo liệt trong tác phẩm, cuộc đời và ngay cả trong những tuyên ngôn của mình về nền điện ảnh nước nhà.
- Theo anh, điện ảnh Việt Nam đang ở vị trí như thế nào nếu chúng ta chỉ so sánh với ngay các nước láng giềng?
Chúng ta so sánh chúng ta ở đâu trong cái dòng này thì thực sự là khó. Chúng ta làm nhiều phim nhựa tốn tiền tỷ, nhưng cuối cùng vẫn phải cất vào kho hoặc chiếu trên truyền hình. Đã có lúc chúng ta đã tiệm cận đến những điều mà nghệ thuật đang mong muốn, nhưng điều tiệm cận đó không thể sống dài được.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh |
Nước láng giềng có cả một chiến lược dài hơi về chuyện đào tạo và chuyện “cắt cử” con người tham dự LHP. Có những đạo diễn chỉ chuyên “đánh” một LHP nhất định, lại có những đạo diễn chuyên trị dòng phim bom tấn. Nhìn lại thì sẽ thấy chúng ta thiếu sự đồng bộ và thiếu những chiến lược dài hơi. Một chiếc máy bay muốn cất cánh an toàn cần phải có đường băng rộng, thoáng đãng, không cản tầm nhìn. Vậy thì hãy khoan bàn đến chuyện vị trí và vị thế ở đây.
- Là một người tham dự nhiều LHP, nói một cách công tâm, theo anh, Việt Nam đã có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới một cách “có số có má” chưa?
Nói điện ảnh của chúng ta có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới thì hơi khó. Các bộ phim của chúng ta góp mặt quá thưa thớt tại các LHP và luôn góp mặt ở tình trạng lần sau mới hơn lần trước và làm quen lại với nhau từ đầu.
Có lần tôi gặp một đạo diễn Mỹ tại LHP Thụy Điển. Tay này nói có xem phim của tôi, thích quá, và mời tôi xem phim của hắn. Tôi xem và cũng thích. Vì vậy hai chúng tôi mời cơm nói chuyện. Tay này hỏi tôi: “Theo mày, mày nhảy cao được bao nhiêu trong làng điện ảnh?” Tôi nhớ kỷ lục nhảy cao thế giới khi đó quãng 2m32, nên ước lượng mình nhảy qua quãng 1m7, 1m8, tức là “sạch nước cản”.
Tay đạo diễn phá lên cười. Tôi nghĩ chắc nó cười mình kiêu ngạo. Tôi mới hỏi: “Thế mày nhảy cao bao nhiêu?”. Hắn bảo: “Tao nhảy cao bao nhiêu không quan trọng vì bệ của tao là 1km, còn bệ của mày chỉ 1m”. Câu trả lời đó làm tôi chấn động. Chừng nào chúng ta có một nền tảng như thế thì chuyện “số má” hãy đề cập lại.
- Anh có để ý là bao nhiêu năm qua đi rồi chúng ta vẫn nhắc về những mốc son như Trần Anh Hùng với “Xích lô”, “Mùi đu đủ xanh”, có thêm chăng nữa là một vài hiện tượng gần đây. Điều đó có làm cho anh phải suy nghĩ?
Trần Anh Hùng là người gốc Việt, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rạch ròi, anh ta sống trong môi trường điện ảnh Pháp và về nước làm phim thì cũng giống như là cầu thủ người Pháp sang đá ở Việt Nam. Quả thực điện ảnh chúng ta nghèo nàn quá khi bao nhiêu năm qua đi mà chỉ kiểm kê được có bấy nhiêu bộ phim. Điều đó còn làm cho bạn - một người ngoài nghề phải suy tính thì tôi không tin rằng những người trong nghề - như chúng tôi có thể thờ ơ được. Nhưng nói và làm lại là những vấn đề khác nhau và đôi khi muốn làm đâu có làm ngay được.
Để có phim hay thì từ người viết kịch bản, đạo diễn, nhà đầu tư và cả những người làm công tác quản lí điện ảnh đều phải nâng mình lên. Mỗi quốc gia đều có vấn đề riêng của nó và phim mang vấn đề của quốc gia đó, nhưng các bộ phim hiện đại trong nước ta, vì lí do này hay lí do khác đang né các vấn đề đó. Và đã né thì không có tác phẩm lớn được.
- Anh thử đánh giá xem trong vòng 10 năm nữa thì điện ảnh Việt có “khá khẩm” hơn được không, hay vẫn chỉ là những “bong bóng xà phòng”, như chính những người trong cuộc đang tự thổi hiện nay?
Nghệ thuật cao nhất là khi đạt đến độ giản dị, mà đạt đến sự giản dị thì là tác phẩm dành cho số đông. Khi nào khán giả không quay lưng với điện ảnh và không coi điện ảnh là thứ giá trị bình thường thì lúc đó may ra mới khấm khá lên được.
Tôi biết vẫn có những con người trẻ tuổi đang âm thầm nuôi dưỡng những kế hoạch, những tình yêu điện ảnh đích thực, họ mới chính là tài năng điện ảnh của nước nhà. Và tôi cũng thấy làm vui mừng vì hiện nay đã có rất nhiều các du học sinh về điện ảnh ở Anh, ở Mỹ, Canada... đang tìm đường về nước làm phim. Họ chứ không ai khác mới mang được “làn gió” mới cho điện ảnh Việt.
- Còn anh thì sao, anh vẫn còn chờ đợi những thành công rực rỡ của mình chứ?
Thời kỳ đầu của ông Phạm Văn Khoa thì không nói làm gì. Đến thời ông Đặng Nhật Minh hay Hải Ninh, tuy làm phim theo một mục đích nhất định nhưng họ vẫn được làm những gì họ muốn. Đến sang lứa bọn tôi bắt đầu làm những gì mà xã hội cần và tư nhân muốn. Tôi thuộc thế hệ “trung chuyển” nên sớm bị... “ăn đòn”, sớm nếm “búa rìu” dư luận, sớm thức tỉnh và cũng sớm biết mình là ai.
Thực sự có tài năng thì sẽ vượt qua được tất cả mà vươn lên. Cái đích cuối cùng mà các bộ phim của tôi nhất quán nhắm tới chính là sự vui buồn, nỗi khổ đau - nói chung là cuộc đời và phận số của những con người bình thường mà tôi đồng cảm, chia sẻ. Tôi cũng không khác những người làm nghề là mấy khi vẫn mong đợi những bộ phim được dân nghề đánh giá cao.
Nhưng có lẽ tôi thực tế hơn, tôi muốn cả công chúng cũng công nhận chứ không phải chỉ là những cái ve vuốt của người làm nghề với nhau. Công chúng mới là người thẩm định quyết định vị trí của tác phẩm cũng như người làm ra tác phẩm. Đơn giản thôi, họ là khách hàng và họ không ảo tưởng cũng như lạc quan tếu.
- Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Thu Hồng (thực hiện)