Bộ tem chào mừng tròn 1 năm ngày tiếp quản Thủ đô, gồm 3 mẫu với chủ đề “Thủ đô giải phóng”, đến nay hầu như ít người còn lưu giữ, thậm chí một số tài liệu của ngành Bưu chính khi nhắc đến các bộ tem về sự kiện này đã bỏ sót lần phát hành đầu tiên vào năm 1955. Theo nhà sưu tập Gérard Chapuis, người đang sở hữu bộ tem độc đáo này cho biết: tác giả thiết kế bộ tem ”Thủ đô giải phóng” là họa sĩ Thạch Can.
Bức tranh trong tem là hình ảnh em bé Thủ đô trên tay anh bộ đội, được khắc họa chân thực và sinh động. Phía sau, trên đỉnh ngọn Tháp Rùa, lá cờ Tổ quốc bay phấp phới minh chứng một Hà Nội đã độc lập, tự do. Và biểu tượng của hòa bình là hình ảnh chú chim bồ câu trắng đang sải cánh bay lên trong bầu trời Hà Nội, thể hiện sự tự do, phóng khoáng và rộng rãi của những người con Hà Nội.
Mẫu tem kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô (ảnh BTC). |
Bộ tem thứ hai phát hành vào ngày 10/10/1964, 10 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, với chủ đề: “Đón bộ đội giải phóng và xây dựng Thủ đô”. Ở mẫu tem 1 tái hiện sinh động giây phút cả Hà Nội hân hoan đón những người con chiến thắng tiến về tiếp quản thủ đô. Hình ảnh cột cờ cổ kính - biểu tượng của Hà Nội, với lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió hòa chung với niềm vui của toàn dân tộc.
Ở mẫu tem thứ hai, với hình ảnh của chiếc cần trục hàng và dãy nhà cao tầng khang trang, phía xa là hình ảnh của những nhà máy đang hoạt động... phản ánh những đổi thay của Hà Nội. Hà Nội đang có một diện mạo mới, với cơ sở hạ tầng khang trang hơn, đẹp hơn. Bên góc phải cánh tem là hình ảnh cách điệu của Chùa Một Cột, một trong những biểu tượng của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hà Nội khang trang, đổi mới theo thời gian nhưng không mất đi những giá trị văn hóa truyền thống. Tác giả thiết kế bộ tem này là họa sĩ Đỗ Việt Tuấn.
Bộ tem thứ ba phát hành ngày 10/10/1969, do các họa sĩ Phạm Ngọ, Thành Tô và Trịnh Quốc Thụ thiết kế đã đoạt giải tại cuộc thi vẽ mẫu tem do Bưu điện Việt Nam tổ chức vào dịp 15 năm Giải phóng Thủ đô. Bộ tem lấy chủ đề: “Chiến sĩ thủ đô 1946 và Thiếu nhi xây dựng” để tạo hình mẫu trên tem. Hình ảnh chiến sĩ thủ đô ôm bom ba càng băng qua đạn lửa xông lên giữa trận địa ác liệt. Hình ảnh này, làm cho người xem nhớ đến trận chiến ác liệt và cam go trong trận Hà Nội năm 1946, mở màn chiến dịch chiến tranh Đông Dương lần thứ 1, giữa quân Việt Minh với quân viễn chinh Pháp... Mẫu thứ hai là hình ảnh những em bé đang đặt những viên gạch xếp chồng lên nhau thành một khối cao và vững chắc như tượng trưng cho ước mơ mai này sẽ là những kỹ sư tương lai, xây dựng những tòa nhà cao, cao mãi.
Bộ tem thứ 4, kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô phát hành ngày 10/10/1974, với chủ đề “Xây dựng Thủ đô” và “Vì tương lai”, do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế. 20 năm sau giải phóng, Hà Nội đã kiến thiết đẹp hơn rất nhiều. Bộ tem thứ 5, kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1984, gồm 3 mẫu tem về những khung cảnh gắn liền với Thủ đô Hà Nội “Cầu Thăng Long”, “Khuê Văn Các”, “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” Đỗ Việt Tuấn, Trần Ngọc Uyển thiết kế. Bộ tem thứ 6 (10/10/1994), gồm hai mẩu với chủ đề: “Chiến thắng trở về” và “Thủ đô xây dựng và phát triển”, do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế. Bộ tem thứ 7 (10/10/2004) với một mẫu cũng do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế, thể hiện một Hà Nội hội nhập năng động và đổi mới.
Giữa những ngày người dân cả nước náo nức trong không khí kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, có một Hà Nội đơn sơ mà đẹp đẽ từ những ngày lịch sử trên những con tem nhỏ bé.