Từ Tiểu ban Tư pháp của Ủy ban Dân tộc giải phóng
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng và đã ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vạch ra những nhiệm vụ và chủ trương, biện pháp cách mạng mới để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước phù hợp với tình hình lúc này. Một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa đã phát triển trong toàn quốc.
Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng. Chỉ thị nêu rõ: “Trong tình thế chính quyền đế quốc có chỗ tan rã, có chỗ không được ổn định như ở nước ta ngày nay, Ủy ban Dân tộc giải phóng là hình thức “tiền Chính phủ”, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng”. Ủy ban cũng quy định: “Đến lúc tổng khởi nghĩa thì Ủy ban Dân tộc giải phóng hết nhiệm vụ. Nó tự giải tán đi để cho nhân dân cử ra Ủy ban công nhân cách mạng ở các xí nghiệp hay Ủy ban nhân dân cách mạng ở các làng”.
Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV (tháng 2/1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi các đại biểu tham dự Hội nghị. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong cuộc kháng chiến này, các bạn đã góp một phần lực lượng lớn. Từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến toàn thể nhân viên, ai cũng chịu khổ, chịu khó, tận tụy hy sinh, để làm tròn nhiệm vụ. Đó là một sự vẻ vang cho giới tư pháp ta”. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “… nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ. Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Trước khi Bộ, ngành Tư pháp chính thức ra đời, tổ chức tư pháp đã từng bước được hình thành trong Ủy ban Dân tộc giải phóng, với đại diện của Tiểu ban Tư pháp. Cụ thể, trong Chỉ thị nêu rõ một trong các việc cần làm là thành lập tại các làng, ấp, đường phố, trại lính, công sở, trường học, hầm mỏ, nhà máy... tổ chức là Ủy ban Dân tộc giải phóng (Ủy ban vừa có tính chất mặt trận, vừa có tính chất “tiền Chính phủ”).
Ủy ban Dân tộc giải phóng nền tảng (Ủy ban thành lập ở cơ sở) được giao 8 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ 6 là “phân xử các việc xung đột, xích mích giữa anh chị em công nhân (nếu ở nhà máy), giữa đồng bào trong làng (nếu ở nông thôn)” và nhiệm vụ thứ 8 là “ngăn ngừa và tiêu diệt Việt gian”. Hai nhóm công việc này đều được giao cho Tiểu ban Tư pháp phụ trách.
Đến việc giữ và bảo vệ chính quyền cách mạng
Diễn biến cuộc giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám có thể chia thành hai giai đoạn: Từ ngày 9/3/1945 đến ngày 14/8/1945 và từ ngày 14/8/1945 đến ngày 2/9/1945. Trong đó, giai đoạn thứ nhất là giành chính quyền cục bộ ở các địa phương do kết quả của những cuộc khởi nghĩa từng phần. Khởi nghĩa từng phần để giành chính quyền cục bộ là một nét sáng tạo của cách mạng Việt Nam, nó là bước cần thiết để đi tới tổng khởi nghĩa, tạo đà và tạo thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Khu di tích trụ sở kháng chiến của Bộ Tư pháp tại Tuyên Quang. (Nguồn ảnh: thads.moj.gov.vn) |
Tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ngày 4/6/1945, Hội nghị Cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập khu giải phóng gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng gồm 5 người. Ủy ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội.
Chính sách chung của Ủy ban lâm thời dựa vào ba điểm chính sau: Tổng động viên nhân dân trong Khu để kháng Nhật; Căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhu cầu của cuộc kháng chiến mà thực hiện chương trình Việt Minh, kiến lập nền dân chủ cộng hoà và ban bố các quyền phổ thông đầu phiếu, tự do dân chủ, dân tộc tự quyết, nam nữ bình quyền; Cải thiện sinh hoạt cho nhân dân: bỏ sưu, bỏ thuế thân, vận động sinh sản,…
Căn cứ vào chính sách chung đó, Ủy ban lâm thời Khu giải phóng đã thực hiện kế hoạch củng cố Khu giải phóng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa - xã hội,… Với nỗ lực của Ủy ban Dân tộc giải phóng, trong đó có Tiểu ban Tư pháp, trong Khu giải phóng của cải nhân dân được bảo đảm. Những tài sản của giặc và của Việt gian bị tịch thu để làm của chung hay chia cho dân nghèo. Những quyền tự do dân chủ cốt yếu đã được thực hiện. Các dân tộc bình đẳng tương trợ, gái trai ngang quyền,...
Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Công cuộc xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 78 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp cần tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề mới của đất nước; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Trích Thư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2023)
Khu giải phóng thực sự là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới, là một thể nghiệm để sau này áp dụng mô hình đó cho toàn quốc khi cách mạng thành công.
Trong giai đoạn này, lực lượng tư pháp với đại diện là Tiểu ban Tư pháp đã phát huy sức mạnh của mình trong Ủy ban Dân tộc giải phóng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nghĩ về hai nhiệm vụ của Tiểu ban Tư pháp
Trong 8 nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc giải phóng thì Tiểu ban Tư pháp được phân công thực hiện hai nhiệm vụ.
Thứ nhất, về nhiệm vụ phân xử các việc xung đột, xích mích. Có thể thấy đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt nhằm bảo đảm tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc, cởi mở, tin cậy lẫn nhau trong nội bộ - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Rõ ràng, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là biểu tượng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Với nhiệm vụ phân xử các việc xung đột, xích mích giữa anh chị em công nhân, giữa đồng bào trong làng (nếu ở nông thôn), lực lượng tư pháp sẽ đúc rút các bài học kinh nghiệm, từ đó góp phần xây dựng nên nền tư pháp của chính quyền cách mạng những năm đầu thành lập.
Thứ hai, về nhiệm vụ ngăn ngừa và tiêu diệt Việt gian, có thể thấy đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp bảo vệ thành quả cách mạng.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp.
Ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống của ngành Tư pháp. Với chức năng quản lý công tác tư pháp, ngay sau khi ra đời, Bộ Tư pháp đã tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương giúp Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật và nền tư pháp dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Hòa trong niềm vui chung của dân tộc, khi đất nước kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, Bộ, ngành Tư pháp cũng kỷ niệm 78 năm hình thành và phát triển. Dù có những giai đoạn thay đổi khác nhau nhưng ở thời kỳ nào, lực lượng tư pháp cũng đã có những đóng góp quan trọng vào thành công cuộc kháng chiến của dân tộc và xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.