Trước khi đường dây 500 kV mạch 3 khởi công, rất nhiều dự án xây lắp điện đã được đưa ra đấu thầu nhưng không nhiều gói thầu xây lắp được đấu thành công. Nguyên nhân lớn nhất được đưa ra giải thích cho những thất bại này là giá đấu thầu quá thấp.
Nghĩ đủ cách để không “vỡ trận”
Đơn giá xây lắp đường dây và trạm biến áp được quy định cụ thể ở 3 chương xây lắp đường dây trong Bộ định mức đơn giá do Bộ Công Thương ban hành sau khi đã tham khảo, thỏa thuận với Bộ Xây dựng. Nhưng, các quy định về thỏa thuận liên quan đến công tác mặt bằng, định mức được xếp chung với lĩnh vực xây dựng dân dụng công nghiệp - là một sự bất cập.
“Đường dây truyền tải có đặc thù thi công khó khăn, phức tạp, đi qua nhiều rừng, đồi núi, việc vận chuyển vật tư khó khăn, không thể áp dụng đơn giá giống như các công trình ở đồng bằng”, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) phản ánh.
Cụ thể hơn, ông Tuyển cho biết, định mức đơn giá cho các diện tích cần giải phóng mặt bằng để thi công do thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và chủ tài sản đang là một bất cập lớn. Dẫn một số ví dụ về các công trình do CPMB làm đại diện chủ đầu tư ở miền Nam, vị này cho biết, có những vị trí mà chủ tài sản đòi bồi thường vài trăm triệu có khi tới cả tỷ đồng... thì không một nhà thầu nào có thể chấp nhận được.
Theo đại diện CPMB, sau 3 năm tổ chức đấu thầu không thành công nhiều gói thầu, đến khi triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3, Ban này đã phối hợp với đơn vị tư vấn xác định điều kiện thi công cho từng vị trí cụ thể để hạn chế tình trạng “vỡ trận”. Cụ thể, các bên phải tính toán cụ thể từ việc làm đường vào chân công trình ra sao, đền bù như thế nào để đảm bảo tính khả thi cao nhất cho một vị trí móng trên thực tế. Dẫu vậy việc khái toán cũng phải bám theo các chế độ, định mức chứ không thể theo đơn giá thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên.
Thậm chí, để công việc có thể vận hành trong điều kiện có thể chịu được, CPMB đã phải ngồi lại với các nhà thầu xây lắp không biết bao nhiêu cuộc để tháo nút thắt về tiến độ dự án, đảm bảo để các nhà thầu xây lắp đấu thầu thành công trong điều kiện đơn giá lạc hậu, giá gói thầu thấp. Thực tế, cách hóa giải vấn đề như đã nêu trên ít nhiều giúp chủ đầu tư giải được “bài toán” về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thành công giúp khởi công dự án đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu.
Hạ giá để kiếm việc làm...
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Chiểu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lắp máy cho biết, sau khi trúng thầu dự án trên, đơn vị sẽ thi công 98 vị trí đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến thời điểm này, đã xong 6 vị trí, đang thi công dở dang 3 vị trí. Theo kế hoạch nhà thầu này sẽ đúc xong phần móng trong tháng 10/2019.
Tuy nhiên, theo ông Chiểu, trên hiện trường còn rất nhiều vị trí móng mà đường vận chuyển vật tư, vật liệu đến chân công trình còn khó khăn - đến mức phải trộn bê tông theo phương pháp thủ công (chở vật liệu đến công trình và trộn bê tông tại chỗ) vì cự ly trung chuyển quá xa, khoảng 5 - 7km, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bê tông khi đổ móng tại các vị trí ở địa bàn thị xã Quảng Trị và các huyện Cam Lộ, Hải Lăng (Quảng Trị).
Điều kiện thi công khó khăn trong khi đơn giá trúng thầu khá thấp có lẽ đang là điều khiến giới xây lắp điện nói chung và các nhà thầu thi công đường dây 500 kV mạch 3 đang than thở nhiều nhất. Cụ thể, thời gian gần đây giá nguyên vật liệu phục vụ thi công cũng “nhảy múa” mỗi khi xăng dầu tăng giá nhưng theo ông Chiểu, trong bối cảnh đó đơn vị thi công buộc phải tối ưu hóa các chi phí để đảm bảo công ăn việc làm và có lãi, dù nó ít.
Ở địa bàn khác trên tuyến này, Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ sông Đà trúng thầu thi công 68 vị trí móng. Đơn vị đã thành lập 2 ban chỉ huy để giám sát và điều hành thi công với 10 đội thi, nhưng hiện vẫn còn hơn 40 vị trí đang làm công tác vận động để lấy đền bù giải phóng mặt bằng. “Hầu như tất cả các hạng mục trong dự toán đơn giá đều thấp, lại thông qua đấu thầu nên càng khó khăn hơn vì nếu bỏ thầu giá cao thì không trúng, buộc phải bỏ thấp mới có thể trúng thầu”, ông Trần Xuân Minh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà nói.
Được biết, trong tình thế khó khăn này, phần lớn các đơn vị xây lắp buộc phải giảm giá các gói thầu để đảm bảo công ăn việc làm cho toàn đơn vị. Ông Minh giải thích, đã là nhà thầu thì phải tính đến công ăn việc làm nhằm duy trì bộ máy công ty cũng như đội ngũ công nhân tại các công trường, khối lượng công việc ít không đủ bố trí công việc cho người lao động sẽ dẫn đến nhiều khó khăn.
Chỉ những nhà thầu kinh doanh đa ngành, lĩnh vực nọ bù cho lĩnh vực kia thì còn có nguồn duy trì lương và níu chân công nhân, thợ lành nghề, còn không người lao động sẽ ồ ạt nghỉ tìm việc khác… Đây dường như đang là một thực tế trên khắp dự án này, nhà thầu kêu nhiều, chủ đầu tư rất chia sẻ song đến nay vẫn để bất cập này tồn tại và không ai dám chắc thực tế này có đe dọa tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020?