Vẫn tự nhận 9/10 điểm dù ngủ gật quên cả tranh tụng
Hồi cuối tháng 8/2013 luật sư người Mỹ Martin Zimmerman đã bị toà án tước quyền bào chữa cho bị can sau khi khách hàng của ông ta than phiền với thẩm phán rằng vị luật sư này ngủ gật phần lớn thời gian tại phiên tòa, thậm chí không nhớ nổi tên của người được mình bảo vệ . Tệ hại nhất là vị luật sư quên bẵng chuyện tranh luận với công tố viên để giảm hình phạt cho thân chủ.
“Ông ấy ngủ gật suốt phiên toà xét xử tôi”, bị cáo Daniel Textor, 37 tuổi, than phiền với quan tòa Dib Waldrip. “Trong buổi chọn bồi thẩm, ông ấy quên cả tên tôi. Ông ấy bảo tôi là Jonathan Dextor”, bị cáo Textor phẫn nộ.
Bị bắt hôm 8/8/2010 do say rượu mà vẫn lái xe, Textor bị truy tố vì tội nhổ nước bọt lên cánh tay viên cảnh sát bắt giữ anh ta. Suốt phiên tòa, luật sư Zimmerman chẳng mời ai ra làm nhân chứng cho bị can, và với hai nhân chứng do phía công tố đưa ra, ông ta cũng chỉ chất vấn vài câu qua quýt cho có lệ.
Trước nguy cơ ngồi tù 60 năm về tội nhổ nước bọt vào cảnh sát và 28 năm về tội lái xe say rượu chở trẻ em, Textor đồng ý nhận tội và yêu cầu Zimmerman thương lượng với phía công tố để chỉ phải “đếm lịch” 45 năm về tội thứ nhất và 20 năm cho tội thứ hai. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao Zimmerman quên bẵng đi, đến khi biết mình bị tuyên án quá cao Textor nổi giận và đâm đơn thưa lên quan tòa.
Được thẩm phán chấp nhận, Textor từ chối Zimmerman và xin được chỉ định luật sư khác tham gia xét xử vụ án lại từ đầu. Vị luật sư cũ cuốn gói ra đi sau khi nghe phía công tố đề nghị Toà truy thu 4.400 USD tiền thù lao đã nhận.
“Chẳng có lý gì mà người đóng thuế phải thanh toán tiền để ông ta ngủ gật, không làm gì cả”, công tố viên Sammy McCrary nói.
Zimmerman xem ra không hề áy náy về chuyện ngủ gật. Thừa nhận mình có “chợp mắt đôi lúc” trong thời gian xét xử nhưng ông ta vẫn cãi rằng việc đó chẳng ảnh hưởng gì tới kết quả công việc. Ông ta tự đánh giá mình đã hoàn thành công việc với điểm 9/10. Và, đường công danh của Zimmerman xem ra chưa chấm dứt. Với sự ủng hộ của những người Cộng hòa, ông ta thậm chí đang được tiến cử chạy đua giành ghế quan toà của hạt Guadalupe.
“Buồn ngủ chết đi được!”
Chuyện luật sư ngủ gật trong phiên toà nổi danh hơn cả là trường hợp John Benn hồi tháng 8/1992 khi ông ta bào chữa cho George McFarland bị truy tố về tội giết người. Phiên toà xét xử McFarland diễn ra theo nhận định của nhà báo Mỹ nổi tiếng Bruce Shapiro là “nhanh hơn viên đạn bay” nếu so với thông lệ của luật pháp Mỹ - nơi các vụ án giết người thường kéo dài lê thê ít nhất đôi ba tháng: Phiên toà bắt đầu ngày 10/8/1992, chỉ 2 ngày sau McFarland đã bị tuyên bố có tội và bồi thẩm đoàn công bố bản án tử hình vào ngày 14.
Sẽ không ai lấy làm ngạc nhiên với một phiên toà như vậy khi đọc bài của phóng viên John Makeig đăng trên tờ Houston Chronicle mô tả về những gì diễn ra trong phòng xử của toà : Ngồi cạnh thân chủ của mình … luật sư John Benn ngủ gật hầu hết thời gian của phiên xử chiều thứ Năm. Miệng ông ta há hốc, gục đầu qua một bên vai, thỉnh thoảng ông ta giật mình tỉnh giấc ngồi thẳng dậy để rồi lại tiếp tục thiếp đi.
Hình minh họa (Internet) |
Cảnh đó liên tục tiếp diễn. Mỗi lần Benn mở mắt, trên bục nhân chứng lại một người nào đó của bên công tố đang thuật lại chuyện bắt George McFarland cướp và giết ông chủ tiệm tạp hóa. Khi quan toà Doug Shaver tuyên bố giải lao, đám phóng viên xúm lại hỏi có thật ông ta ngủ gật trong lúc phiên tòa đang diễn ra thì nhận được lời đáp từ vị luật sư 72 tuổi : “Buồn ngủ chết đi được”.
Ban đầu, vụ án của George McFarland không quá nổi danh vì trên đất Mỹ mỗi năm có cả trăm vụ cướp giết người tương tự. Hôm 15/11/1991 Kenneth Kwan, ông chủ người Tàu của tiệm tạp hóa C and Y đi ngân hàng về. Vì có mang theo một túi bạc lẻ trả tiền thối cho khách nên Kwan dắt theo nhân viên bảo vệ James Powell.
Khi chiếc xe hơi chở hai người vừa đỗ lại trước cửa tiệm, có một gã đàn ông đứng trên vỉa hè với một cái bao căng đầy giống như đang mang đồ tới tiệm giặt ở bên cạnh. Gã bất ngờ dí súng vào đầu Powell bắt anh ta ném súng xuống đất. Người bảo vệ tuân lệnh, nhưng một kẻ khác nữa xuất hiện.
Không rõ ai bóp cò và khẩu súng nào nhả đạn nhưng Kwan bị bắn 5 phát vào ngực và lưng. Gã đàn ông đến sau chộp bao tiền của Kwan và cùng đồng bọn tẩu thoát bằng một chiếc xe hơi. Một người khách mua hàng tên Carolyn Bartie đã giúp vợ của Kwan đưa ông ta tới bệnh viện, tuy nhiên nạn nhân qua đời 2 giờ sau đó.
Ban đầu cảnh sát không có bất cứ manh mối nào vì cả nhân viên bảo vệ Powell lẫn bà khách hàng Bartie đều không thể mô tả được kẻ giết người, ngoại trừ chi tiết hắn là người Mỹ gốc Phi cao chừng 1,9 mét. Hai người đều cho rằng nếu gặp lại họ cũng khó nhận ra hắn. Lời khai của họ về kẻ nổ súng trái ngược nhau. Vụ án không có có nhân chứng hay vật chứng nào khác.
Vài ngày sau, cảnh sát nhận được mật báo từ một gã tên Craig Burks cho biết vào đêm xảy ra vụ cướp cậu của gã là George McFarland, trong lúc chở Burks và 2 thằng cháu khác đi chơi đã chìa ra một bó tiền và khoe rằng kiếm được nó khi tham gia vụ cướp. McFarland kể tên hai đồng bọn nhưng nói hắn không đụng gì đến súng đạn.
Burks tố cáo cậu mình vì lý do hắn – một kẻ có 3 tiền án – muốn lãnh 900 USD tiền thưởng và được giảm án do hắn cũng dính vào một vụ cướp khác.Tuy nhiên, văn phòng công tố Houston đã đồng ý yêu cầu của Burks và dùng lời khai của hắn để bắt giữ McFarland vào hôm 3/1/1992.
Tại toà, nếu McFarland may mắn có được một luật sư như Johnnie Cochran thì vụ án có lẽ đã bị xếp lại, McFarland đã được trắng án. Đứng trước bồi thẩm đoàn, nhân chứng chính của bên công tố Craig Burks không thể nhớ lại thời gian xảy ra của những sự việc hắn khai với cảnh sát trước đó. Thế nhưng gia đình McFarland đã thuê John Benn vì ông ta đã 42 năm cãi tại các toà án ở Houston.
Nói chính xác, McFarland có tới những hai luật sư vì quan tòa Shaver lo ngại trước vẻ lờ đờ ngái ngủ của Benn đã chỉ định thêm Sanford Melamed, một người xem ra lanh lợi hơn. Thế nhưng sau này, tại phiên xét xử phúc thẩm, Melamed khai rằng sau khi được chỉ định giúp việc cho Benn “tôi đã gọi điện đến văn phòng của Benn và hỏi ông ấy có muốn thảo luận xem ai sẽ làm gì hay không. Ông ấy trả lời là không”.
Rút cục là không ai trong số hai luật sư chuẩn bị kỹ càng cho phiên xử McFarland. Là luật sư chính nhưng Benn chỉ vào nhà giam gặp thân chủ một lần duy nhất. Sau này Benn thú nhận là ông ta chuẩn bị bài bào chữa dựa trên cáo trạng của công tố viện.
Còn Melamed cũng chỉ “mất có 5 hay 6 giờ gì đó” chuẩn bị trước ngày ra tòa. Cả hai luật sư đều không điều tra, không hề có ý định thẩm tra các chi tiết trong lời khai của Burks. Tổng cộng họ chỉ bỏ ra chưa tới hai ngày làm việc để chuẩn bị cho một phiên toà quyết định mạng sống của thân chủ. Về sau Benn tiết lộ rằng ông ta và Melamed chưa bao giờ xem lại hay đối chiếu các biên bản tốc ký nội dung phiên tòa, thậm chí không soạn trước bài bào chữa cuối cùng.
Còn về chuyện ngủ gật tại tòa, Benn chỉ giải thích rằng tranh thủ chợp mắt vào buổi chiều là thói quen của ông ta còn Melamed thì phân trần rằng có thể việc Benn ngủ gật sẽ khiến quan toà “rủ lòng thương” họ !