Hôm nay (13/8), TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hạnh (SN: 1973, trú tại Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS.
Trước đó, ngày 29/4/2011, VKSND TP Hà Nội đã ra bản cáo trạng truy tố bị cáo này về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 140 BLHS và HĐXX TAND TP Hà Nội ngày 7/7/2014 đã trả hồ sơ yêu cầu bổ sung một số nội dung trong đó có việc xem xét thay đổi tội danh đối với Nguyễn Thị Hạnh.
Quá trình xét xử đã làm rõ, vào đầu năm 2008, bà Phạm Hồng Vân (SN: 1958, trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) gặp và quen biết với Hạnh tại quán gội đầu. Nhiều lần chuyện trò, Hạnh nói với bà Vân đang làm ăn buôn bán thẻ, sim và điện thoại di động giá rẻ vì có quen biết với Tổng giám đốc của Công ty Viettel. Thấy vậy, bà Vân đã đặt vấn đề mua hàng của Hạnh.
Sau đó, Hạnh đã tự mua sim, thẻ điện thoại với giá thị trường và bán lại cho bà Vân giá thấp hơn, đồng thời giao hàng đầy đủ số lượng để tạo niềm tin. Thấy bán có lãi, bà Vân tiếp tục buôn bán với Hạnh.
Một thời gian sau, khi biết bà Vân đã thực sự tin tưởng, Hạnh nói với bà Vân giao tiền cho Hạnh để Hạnh trực tiếp buôn bán, số tiền lãi mỗi ngày sẽ được từ 1 triệu đến 2 triệu đồng nếu tiền hàng trên 100 triệu đồng. Thời gian trả lãi suất sẽ trả theo từng ngày, trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ hoặc trả theo tuần. Số tiền gốc thì ả sẽ giữ lại để tiếp tục buôn bán giúp bà Vân.
Không mảy may nghi ngờ, bà Vân đã lấy tiền của mình và vay mượn của người thân chuyển hơn 190 tỷ đồng để cho Hạnh tự buôn bán còn bà Vân thì chỉ việc hưởng lãi hàng ngày.
Cũng trong thời gian này, Hạnh quen biết với bà Giang Thị Kim Dung (SN: 1955, trú tại Chùa Thông, Sơn tây, Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Nga (SN: 1978, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) thông qua anh Nguyễn Ngọc Hoan (SN: 1965 trú tại thị xã Sơn tây, Hà Nội). Bằng thủ đoạn tương tự như với bà Vân, Hạnh đã nói dối và nhận của bà Dung gần 146 tỷ đồng , của chị Nga hơn 53 tỷ đồng.
Thời điểm buôn bán với chị Nga, Hạnh đã mua sim, thẻ của chị Huỳnh Thị Thu Phong (SN: 1972, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Sau đó, Hạnh nói dối chị Nga là số sim, thẻ là mua từ công ty FPT.
Trong thời gian đầu làm ăn với cả 3 người, Hạnh thuê phòng trên tầng 4 nhà anh Dương Mạnh Ninh (SN: 1956, trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) và thuê Đặng Quang Vĩnh (SN: 1983), Đặng Quang Toàn (SN: 1984 – là em của Vĩnh) cùng trú tại Từ Liêm, Hà Nội hoặc nhờ Nguyễn Văn Tùng (SN: 1978, là em ruột Hạnh) để giao hoặc nhận tiền, hàng.
Kinh doanh được một thời gian, các bị hại gọi điện yêu cầu Hạnh phải thanh toán tiền nhưng “nữ quái” này lại nói rằng đã giao cho một đối tượng tên Nguyễn Việt Hùng (SN: 1962, trú tại 90 Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) để mua sim, thẻ, điện thoại nên không còn khả năng thanh toán và đã bỏ trốn.
Sau đó, ngày 30/4/2009 và ngày 14/5/2009 các bị hại đã làm đơn tố cáo Hạnh đến cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội chiếm đoạt tài sản của họ một số lượng tiền rất lớn. Đến ngày 8/5/2015 thì Hạnh bị bắt.
Các bị hại cho biết, để tạo dựng niềm tin Hạnh đã thuê một người đến giới thiệu là Tổng giám đốc của Cty Viễn Thông VNPT và mạng Viettel. Nhiều lần giao dịch, Hạnh thường tặng máy tính, điện thoại di động, thậm chì còn tặng cả ô tô cho bị hại.
Tất cả những lần nhận, giao tiền, hàng bị hại đều không chuyển tiền qua tài khoản Ngân hàng mà Hạnh tới nhận trực tiếp hoặc nhờ lái xe đến lấy. Toàn bộ số tiền đều được đóng vào một thùng carton và chẳng mấy khi Hạnh đếm lại số tiền mà các bị hại đưa.
Các Luật sư bào chữa của các bị hại đều đồng ý với quan điểm truy tố Hạnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị HĐXX trả hồ sơ bổ sung để xác định số tiền chiếm đoạt của bị cáo này đang ở đâu. Bởi vì, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ của Hạnh 3 điện thoại di động Nokia và chỉ có 160 triệu đồng trong khi số tiền bị cáo chiếm đoạt được là cực kỳ lớn.
Các luật sư đưa ra nghi vấn, trong những lần nhận tiền, bị cáo đến nhận trực tiếp, với số tiền hàng tỷ đồng mà để vào thùng carton mà bị cáo lại là phụ nữ thì một mình không thể mang ra xe ô tô để mang đi Thái Nguyên được. Theo lời khai của các bị hại, Hạnh đã thuê người đến giả làm Tổng giám đốc, kế toán của Cty Viễn Thông VNPT và mạng Viettel. Rất có thể còn có đồng phạm trong vụ án này.
Tại tòa, bị cáo vẫn biện minh rằng các bị hại giao tiền là hoàn toàn tự nguyện chứ ả không ép buộc gì. Số tiền mà các bị hại đưa đã giao lại cho đối tượng Hùng và không chấp nhận tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cáo trạng truy tố.
Đại diện VKS khẳng định, ở cơ quan điều tra Hạnh đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu ở trên, lời khai nhận của Nguyễn Thị Hạnh phù hợp với lời khai của người bị hại và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Thị Hạnh là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sau khi xem xét đánh giá toàn bộ dung vụ án cũng như lời khai của bị cáo được thẩm tra tại tòa và hồ sơ vụ án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hạnh tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự bị cáo phải bồi thường cho các bị hại theo đúng quy định của pháp luật./.
Sau khi xem xét đánh giá toàn bộ dung vụ án cũng như lời khai của bị cáo được thẩm tra tại tòa và hồ sơ vụ án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hạnh tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự bị cáo phải bồi thường cho các bị hại theo đúng quy định của pháp luật./.