Phiên xử nhóm trai làng trộm tổ ong do TAND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) xét xử lưu động một ngày cuối tháng 11 vừa qua có những tình tiết khiến người dự tòa không khỏi phì cười. Bảy bị cáo đứng trước vành móng ngựa, trong đó có hai người mù chữ mếu máo “trộm ong nhưng nhiều con nhớ đường nên đã bay về tổ rồi, chúng cháu lại còn bị ong đốt sưng cả người mà sao vẫn bị tù?”.
Ong chích đạo chích
Tối một ngày đầu tháng 5/2011, theo thông lệ thường ngày bốn “chiến hữu” gồm Hồ Quý Tân, Chu Văn Bình, Trần Định, Châu Văn Khánh (đều ngụ tại thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) lại rủ nhau ra quán ngồi nhậu lai rai. Trong lúc đang “chén tạc chén thù”, bỗng Định là “đại ca” nhiều tuổi nhất trong nhóm “gợi ý” tới trại nuôi ong của xã Lộc Sơn kế bên để trộm ong bán lấy tiền tiêu xài. Chẳng cần suy đi tính lại gì nhiều, cả nhóm liền gật đầu cái rụp. Bốn đối tượng đã lợi dụng việc đêm khuya, chủ trại ong lơ là canh giữ nên lẻn vào khoắng sạch 10 thùng nhựa nuôi ong rồi đưa lên xe máy tẩu thoát.
Đi được một quãng xa, cả nhóm mới ớ người ra khi một đối tượng chợt nhớ: “Ăn cắp cái của nợ này làm gì? Sớm mai mở ra thì tụi ong lại bay về chỗ cũ ngay mà”. “Của cải” mà nhóm trộm nhắm tới hóa ra lại là mặt hàng rất khó tiêu thụ, không thể cất giấu an toàn vì ong nuôi có nếp quen quay về tổ cũ dù có bị đưa đi xa nơi cũ hàng trăm cây số.
Vò đầu bứt tai suy nghĩ, nhóm đối tượng cũng tìm được “kế sách trung hòa”: Ngay trong đêm mang những thùng ong đến một trại nuôi ong ở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) “bán ưu đãi” với giá 300 ngàn đồng/thùng. Thuyết phục người mua, nhóm đối tượng còn “nhiệt tình hướng dẫn”: “Cứ mua đi anh. Trộn ong mới với ong cũ vào ngay thì chúng không nhớ đường cũ mà về đâu”.
Có lẽ thấy món hàng giá quá hời, chủ trại nuôi ong này sau chút đắn đo suy nghĩ đã thu mua toàn bộ số thùng ong trên, chấp nhận việc đến sáng hôm sau phân nửa đàn ong mới mua đã quay về chuồng cũ.
Sau lần đầu ăn trộm trót lọt, ba ngày sau thấy “ngon ăn”, lại đang lúc bí tiền nên đối tượng Tân lại rủ cả nhóm đi ăn trộm tiếp. Bốn trai làng sử dụng lại “chiêu bài” cũ đã diễn lần trước: Đi xe máy đến bìa rừng đợi sẵn, một đối tượng được cắt cử giám sát động tĩnh bên ngoài, sau khi trộm được sẽ cùng nhau tẩu tán. Trong lần trộm thứ hai, nhóm trai làng này lấy được 3 thùng ong.
Ảnh minh họa. |
Thấy dễ kiếm tiền từ công việc “vặt” tổ ong người khác nên chỉ ba ngày sau vụ trộm thứ hai, Tân lại bàn bạc với hai chiến hữu trong băng trộm ong của mình thực hiện “cú hattrick”. Chúng còn lôi kéo thêm cậu em trai mới 16 tuổi và người bạn hàng xóm tham gia cùng. Chỉ mất chưa đến giờ đồng hồ cả nhóm đã khuân vác sáu thùng ong ra bìa rừng chở đi bán được 3,6 triệu đồng rồi chia nhau lấy tiền tiêu xài.
Thành ngữ “tham thì thâm” quả là quá đúng trong trường hợp nhóm trộm này. Đêm đó, khi chở thùng ong đi tiêu thụ về, cả nhóm phát hiện điểm ong mới nằm ngay bìa rừng. Thấy “mồi ngon” hớ hênh, nhóm trai làng đã tiện tay “khoắng” thêm 11 thùng ong. Trong lúc vận chuyển, thấy ánh đèn pin của chủ trại đi tuần nên cả nhóm luống cuống để rơi thùng ong. Không bị chủ trại phát hiện nhưng cả bọn cũng bị một “no đòn”: Đàn ong đang yên giấc trong thùng thì tổ bị đánh rơi nên cả lũ ong tỉnh giấc châm đốt loạn xạ khiến bọn trộm chạy “bán sống bán chết”, phải bỏ lại 3 thùng ong lại để thoát thân.
Những vụ việc ăn trộm ngay sáng sau đó được chủ trại phát hiện khi thấy bầy ong của mình hớt hải bay về. “Điểm danh quân số”, hai chủ trại phát hiện đã mất tới 27 thùng ong. Để tìm lại đàn ong đã mất thì không khó, họ chỉ cần lần theo dấu bay của số ong nuôi quay về tổ cũ để phát hiện những thùng ong của mình đang nằm trong trại nuôi ở xã kế bên.
Tìm ra nhóm trộm còn dễ hơn, chỉ cần quay về làng tìm những đối tượng nào bị ong đốt sưng vù mặt mũi người ngợm thì đó chính là “đạo chích bị ong chích”. Sự việc nhanh chóng được trình báo lên cơ quan chức năng và khi được triệu tập lên cơ quan công an, các đối tượng đã nhanh chóng thừa nhận hành vi.
Ong tự bay về vẫn cấu thành tội
Ngay sau khi vụ án xảy ra, các cơ quan chức năng giải quyết vụ án đã vấp phải những tình huống hết sức bi hài. Trước tiên, có người cho rằng trong vụ việc này, đối tượng trộm cắp là lũ ong và có thể phần lớn số ong bị mất đã bay về chủ cũ nên người bị hại chỉ mất những thùng ong là “phụ kiện” chứ không mất các “nhân vật chính” là lũ ong. Hơn nữa, cũng chẳng Hội đồng định giá hay cơ quan nào có thể xác định được bao nhiêu con ong đã bay về, bao nhiêu con ong đã “định cư” ở “miền đất mới” trong số cả trăm ngàn con ong sống ở gần 30 thùng ong. Luồng dư luận này cho rằng như vậy thì hành vi của các trai làng chưa cấu thành tội phạm.
Quan điểm này ngay sau đó đã bị phản bác. Cơ quan chức năng nhận thấy tội trộm cắp tài sản là tội danh có cấu thành vật chất (hay nói cách khác tội này bắt buộc phải gây ra hậu quả, giá trị tài sản bị mất từ 2 triệu đồng trở lên) và trong vụ án này, chỉ riêng số tiền các đối tượng “bán tống bán tháo” đi cũng đã hơn số tiền 2 triệu nhiều lần.
Về việc đã hoàn thành tội phạm hay chưa, lý luận Luật Hình sự đã quy định thời điểm tội trộm cắp tài sản hoàn thành là thời điểm đã chiếm đoạt được tài sản, cụ thể: 1.Nếu vật nhỏ gọn thì coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người; 2.Nếu không thuộc loại nêu trên thì coi là chiếm đoạt được khi đã mang tài sản ra khỏi khu vực bảo quản; 3.Nếu tài sản không có khu vực bảo quản nhất định thì coi là chiếm đoạt được khi tài sản bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Như vậy, rõ ràng hành vi của nhóm trai làng đã cấu thành tội trộm cắp.
Ngày 25/11/2011, trong phiên tòa sơ thẩm, hầu hết các bị cáo đã mau chóng thừa nhận hành vi trộm cắp 27 thùng ong có mật lấy tiền tiêu xài cá nhân, ăn nhậu. Thế nhưng vẫn có bị cáo ngơ ngác cãi: “Bị anh trai rủ rê nên bản thân phạm pháp mà bị cáo không hay biết”.
Thuật lại vụ việc, bị cáo Châu Minh Phú (16 tuổi) ngô nghê kể rằng: “Thường ngày vẫn đi bóc dỡ thùng ong thuê vào ban đêm nên hôm xảy ra vụ án, bị cáo nghe các anh bảo sao thì làm vậy, cứ nghĩ đi bốc tổ ong thuê như mấy lần trước, đến hôm mấy chú công an lên nhà mới biết đêm đó mấy anh rủ đi ăn trộm”. “Thơ ngây” không kém, bị cáo Trần Định (36 tuổi) vốn mù chữ mếu máo ân hận: “Bị cáo nghe người ta xúi giục, nghĩ rằng lấy mấy thùng ong sẽ không phạm tội gì nên đi theo”.
Trước những chứng cứ, lời khai thu thập được, HĐXX đã tuyên phạt tổng cộng 56 tháng tù với bảy bị cáo trong nhóm trộm ong, trong đó những đối tượng cầm đầu lĩnh án từ 8 - 12 tháng tù giam.
“Đại náo phiên tòa” vì so bì mức án Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, mẹ ruột bị cáo Khánh đã lớn tiếng, hò hét một mực cho rằng tòa đã “xét xử thiên vị, gây oan sai cho con trai tui”. “Thằng Bình là chủ mưu xúi giục con trai tui đi cướp, vậy mà nó chỉ bị tù treo còn thằng Khánh phải ngồi tù 8 tháng”, người phụ nữ này vừa la thất thanh, vừa xông vào túm cổ áo bị cáo Bình chửi mắng và có lời lẽ xúc phạm cán bộ tòa án. Sự việc đã khiến những người dân tham dự phiên tòa một phen hoảng hồn vì sự bức xúc đến thái quá giữa nội bộ thân nhân các bị cáo. Rất may sự việc sau đó đã được lực lượng chức năng can ngăn kịp thời. Sau phiên tòa, thanh minh về chuyện mình lớn tiếng gây náo loạn phiên tòa, người phụ nữ này cho biết: “Sau khi công an cho tại ngoại chờ ngày ra tòa, tui gặng hỏi thì con tôi khai đi ăn trộm là do ông Bình xúi giục.Thậm chí ông Bình còn cam đoan nếu có chuyện gì xảy ra sẽ gánh hết trách nhiệm cho cả nhóm, vậy mà không hiểu sao con tôi bị án giam trong khi ông Bình lại được xử án treo”. |
Theo Pháp luật & Thời đại