Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc nhân viên ngân hàng bị khởi tố vì các cáo buộc về việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lạm quyền phát hành bảo lãnh khống… là minh chứng cho sự mất an toàn của hệ thống quản trị rủi ro (QTRR) và sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhân viên ngân hàng.
Hình chỉ mang tính minh họa |
Nhân viên ngân hàng liên tiếp bị khởi tố
Tháng 5/2012, giới ngân hàng xôn xao vụ Giám đốc Chi nhánh Agribank Hồng Hà - ông Đỗ Đức Hưng bị bắt và khởi tố về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho Cty CP Xuất nhập khẩu Tân Hồng thiếu nợ các Cty CP Thiết bị Dầu khí, Cty CP Gang thép Thái Nguyên, Cty TNHH Thiết bị nặng Tất Hồng, Cty Kim khí Hà Nội..., với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng.
Tháng 8/2012, VKSND TP.Đà Nẵng đã hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố bà Lê Nữ Dạ Thảo (31 tuổi, tạm trú P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2011, lợi dụng tín nhiệm của SHB Đà Nẵng, Thảo lấy 22 tỉ đồng của SHB gửi vào Ngân hàng TMCP Nam Việt nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.
Tuy nhiên, Thảo đã giả báo mất hợp đồng tiền gửi để xin cấp lại hợp đồng mới, rồi dùng hợp đồng này thế chấp cho Ngân hàng TMCP Nam Việt để vay 14 tỉ đồng, sử dụng vào mục đích trả nợ, tiêu xài và chơi chứng khoán.
Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án bà Nguyễn Thị Hương Giang - nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Hai Bà Trưng của SeABank vì hành vi tự ý ký và phát hành 12 chứng thư bảo lãnh, vượt quá thẩm quyền quy định, để ngoài hệ thống sổ sách, không có hồ sơ lưu, không thu phí, đặc biệt là đều không có tài sản bảo đảm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng.
Việc cán bộ này phát hành “chui” 12 chứng thư bảo lãnh chỉ bị phát giác khi ngân hàng liên tiếp nhận được các văn bản của các bên nhận bảo lãnh yêu cầu thanh toán tiền, kèm theo các chứng thư bảo lãnh do bà Giang tự ý phát hành. Tổng giá trị số chứng thư bảo lãnh mờ ám này lên tới trên 310 tỷ đồng, đến nay đã quá hạn thanh toán nhưng các bên được bảo lãnh vẫn chưa thanh toán hoặc có biện pháp khắc phục…
Quản trị rủi ro có đỡ được “rủi ro đạo đức”?
Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, rủi ro trong tác nghiệp xuất phát từ 4 nguyên nhân chủ yếu: do con người gây ra; do lỗi hệ thống công nghệ thông tin ; do quy trình, quy chế; do các yếu tố khách quan khác. Như vậy, có thể nói rủi ro tác nghiệp liên quan đến tất cả các mặt hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là yếu tố con người và chủ yếu ở các cấp thực thi.
Có nhiều lý do lý giải cho việc cán bộ, nhân viên ngân hàng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó nguyên nhân do chủ định, cố ý vi phạm, gian lận để trục lợi cá nhân chiếm đa số.
Lãnh đạo của một ngân hàng vừa từ chối thanh toán một loạt các bảo lãnh “khống” do thuộc cấp phát hành cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng đến việc QTRR trong hoạt động và đã thành lập Khối QTRR với sự tư vấn, hỗ trợ của đối tác chiến lược nước ngoài và do chuyên gia nước ngoài trực tiếp làm Giám đốc, nhằm kiện toàn hệ thống, hoàn thiện cơ cấu quản lý rủi ro, các quy định về an toàn tín dụng, xây dựng cơ sở cho việc đánh giá và QLRR của các giao dịch tín dụng. Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt tín dụng, bảo lãnh cũng được ban hành đầy đủ và hướng dẫn chi tiết.
Tuy nhiên, nếu cán bộ thực hiện, đặc biệt là những người giữ chức vụ quản lý cố ý làm trái quy trình hoặc không nhập thông tin vào hệ thống theo dõi thì quả thực rất khó có thể kiểm soát được dù hệ thống QTRR có tốt đến đâu. Hiện tại bên cạnh việc thắt chặt quy trình quản lý, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát nội bộ thông qua cơ chế kiểm tra chéo và giám sát lẫn nhau để tránh tình trạng tương tự xảy ra”.
Hy vọng sau những bài học đắt giá vừa rồi, các ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn nữa trong việc tăng cường QTRR, đặc biệt là rủi ro về mặt đạo đức nghề nghiệp của nhân viên.
P.V.