Doanh nghiệp nội phải hợp lực
Thông tin tại Diễn đàn logistics Việt Nam vừa diễn ra tại Hải Phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ cấp phép. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4-5%.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, nhìn nhận khách quan, logistics vẫn còn nhiều tồn tại mà “căn bệnh kinh niên” là chi phí logistics vẫn ở mức cao, đặc biệt là vấn đề kết nối doanh nghiệp logistics với nhau và vai trò dẫn dắt nội địa chưa được hình thành, đảm bảo.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 11 hãng vận tải container nội địa với khoảng hơn 40 tàu có sức chở tương đương khoảng 44.500 TEU - chỉ tương đương 2 con tàu container cỡ lớn trên thế giới. Trong khi đó, ngành vận tải container của Việt Nam lại đang cạnh tranh lẫn nhau, tức là các hãng vận tải cạnh tranh với nhau trên tuyến nội địa.
“Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Việt Nam muốn có đội tàu hùng mạnh thì phải hợp lực lại với nhau” - ông Quỳ nói. Đồng thời dẫn ví dụ về việc Nhật Bản đã hợp nhất 3 hãng tàu container lớn vào làm một và trở thành hãng tàu quốc tế duy nhất của Nhật Bản. Hàn Quốc cũng lập ra liên minh Korean Shipping Partnership với thành viên là hãng tàu container trong nước.
Ông Quỳ cho rằng, Việt Nam cũng nên học hỏi mô hình này và các doanh nghiệp nên “bắt tay” với nhau. Bởi muốn đầu tư vào một con tàu container hoặc một tuyến vận tải container quốc tế không phải đơn giản. Hiện nay, để mở một chuyến tàu đi Mỹ, ví dụ từ Cái Mép hoặc Lạch Huyện đi thẳng sang bờ Tây Mỹ, cần ít nhất 6-8 con tàu. Trong khi đó, chi phí đóng mới một tàu container tải trọng 10.000 TEU là 60 triệu USD. Cùng với đó là cần khoảng 50.000 container cỡ 20 feet, giá khoảng 4.000 USD/container.
Phát triển trung tâm logistics
Hình thành trung tâm logistics với nhiều lợi ích và tối ưu hóa chi phí là phương án mà nhiều chuyên gia đề cập đến trong câu chuyện bàn về giải pháp để chữa được “căn bệnh kinh niên” của logistics Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu “phát triển xanh”.
Theo bà Fion Ng - Giám đốc vận hành, Công ty CP Phát triển công nghiệp BW, muốn tối ưu hóa chi phí logistics phải xây dựng được các trung tâm logistics đô thị tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển nhanh và lớn thứ 2 ở Đông Nam Á.
Theo số liệu được dẫn trong Diễn đàn Kinh tế thế giới để đáp ứng mong muốn mua hàng trực tuyến ngày càng tăng của người tiêu dùng, nếu không có bất kỳ biện pháp can thiệp nào số lượng phương tiện giao hàng tại 100 thành phố lớn nhất toàn cầu sẽ tăng 36% vào năm 2030. Điều này sẽ làm tăng 6 triệu tấn khí thải CO2 và sự tắc nghẽn sẽ tăng 21%. Bà Fion Ng khuyến nghị, việc xây dựng các trung tâm logistics đô thị phù hợp sẽ khiến cho việc phát thải CO2 thấp hơn nhiều so với tình hình hiện nay.
Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam - cho biết, hiện mô hình logistics có khá nhiều nhưng mô hình nào cũng không thể đặt các kho trong nội đô trung tâm được. Hầu hết đều phải đặt kho ở rìa trung tâm. “Theo tính toán, nếu kho dịch xa thêm 5 km nữa thì mỗi ngày chúng tôi mất thêm thời gian và quãng đường di chuyển tương đương với một chuyến xe đi từ Nam ra Bắc” - ông Thịnh dẫn chứng.
Do đó, vấn đề lựa chọn đặt trung tâm logistics ở vị trí nào chính là mấu chốt để tối ưu hóa chi phí logistics. Bà Fion Ng cho biết, BW đã và đang chuẩn bị cho làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất trên thế giới về Việt Nam và sự phát triển của thị trường TMĐT với việc xây dựng được các trung tâm logistics ở các vị trí chiến lược như gần cảng, thời gian kết nối đến các con đường huyết mạch ngắn… Hiện BW đã có các trung tâm logistics đặt tại TP Hồ Chí Minh với thời gian đến cảng Cát Lái chỉ khoảng 90 phút; hoặc một trung tâm khác tại Hà Nội cách các tuyến đường chính như quốc lộ 1A hay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ 30 phút.
Tuy nhiên, theo bà Fion Ng, các bên liên quan cần tăng cường hợp tác hơn để giải quyết vấn đề trung tâm logistics đô thị. Điều quan trọng là cần thiết lập một mạng lưới phân phối đô thị được tối ưu hóa, vừa giảm phát thải, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thành phố vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của TMĐT.