Đoàn đại biểu thực hiện nghi lễ tâm linh tại Lễ hội. |
Theo sử sách, Lễ hội Tịch điền bắt nguồn từ khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987). Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính.
Lễ hội Tịch điền được coi như một ngày Quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tư tưởng trọng nông, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương, để có cuộc sống ấm no, sung túc.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ ngày mùng 5 - mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. |
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đã tái hiện truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cầu mong cho mùa màng tốt tươi, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn nhằm khơi dậy tình cảm gắn bó, tình yêu lao động của người dân với mảnh đất quê hương và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 1.036 năm ngày Vua Lê Đại Hành về cày Tịch điền trên cánh đồng dưới chân núi xã Đọi Sơn. Đây là năm thứ 15 lễ hội được Thị xã Duy Tiên duy trì, tổ chức nhằm quảng bá với du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của địa phương; đồng thời tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như kết quả xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam những năm qua.
Một bô lão trong vùng tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng. |
Từ đó cho đến nay, trải qua 15 năm tổ chức, giá trị văn hóa cốt lõi của Lễ hội Tịch điền vẫn đang trường tồn, sống mãi với thời gian; nông thôn đã đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Về với Hà Nam những ngày đầu của năm Quý Mão 2023, hòa trong không khí hân hoan của mùa Xuân mới, tất thảy ai cũng thấy rộn ràng khi tiếng trống khai hội vang lớn, bởi đó cũng là lúc những sá cày thẳng tắp đầu tiên được cày, báo hiệu một mùa vàng bội thu.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy trong trang phục áo nông tham gia thực hiện nghi thức Tịch điền, cày những sá đất đầu tiên. |
Sau nghi lễ bái yết Thần Nông, là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do bô lão đức cao vọng trọng trong làng Đọi Sơn thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.
Phần lễ năm nay gồm: Lễ cáo yết, lễ rước nước lên Đàn tế, lễ Sái tịnh, lễ cầu an trên chùa Long Đọi Sơn, lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng và kiệu Tổ nghề trống Đọi Tam cùng các nghi lễ tâm linh quan trọng trong Lễ Tịch điền diễn ra đúng ngày mùng 7 tháng Giêng năm Quý Mão...
Trong trang phục nhà nông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, cùng đại diện lãnh đạo Thị xã Duy Tiên, xã Tiên Sơn và các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức Tịch điền, cày những sá đất đầu tiên, khởi đầu cho mùa vụ mới năm 2023. Vị bô lão đi 3 sá cày, các vị lãnh đạo, đại biểu tỉnh đi 5 sá cày, các vị lãnh đạo thị xã, xã Tiên Sơn và các bô lão đi những sá cày tiếp theo trên cánh đồng Kim ngân điền để mở đầu cho một năm sản xuất mới.
Nghi thức rước kiệu được thực hiện trang nghiêm. |
Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều giải thể thao quần chúng như: giải bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cờ tướng, nhiều trò chơi dân gian đã được tổ chức như: đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, chọi gà, giải vật tịch điền… đã thu hút đông đảo người dân tham gia.
Những chú trâu khỏe mạnh được lựa chọn, trang trí biểu tượng của năm Quý Mão đầy sặc sỡ. |
Các hội thi như: Hội thi vẽ, trang trí trâu; hội thi làm bánh dày của các dòng họ làng Đọi Tam, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các gian hàng trưng bày triễn lãm các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã Duy Tiên và tỉnh Hà Nam cũng được tổ chức, mang lại không khí vui vẻ, phấn khởi cho Lễ hội.