Trách nhiệm của người dùng trên mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ bùng nổ, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người, nhất là giới trẻ. Từ kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin đến thể hiện cá tính và quan điểm cá nhân, mạng xã hội giúp giới trẻ có thể tự khám phá, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết của mình. Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi có thể tác động xấu đến giới trẻ.
Theo báo cáo từ We Are Social năm 2024, hơn 80% thanh, thiếu niên Việt Nam sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Facebook, Instagram và TikTok không chỉ là nơi chia sẻ những khoảnh khắc đời thường mà còn là công cụ kết nối và lan tỏa thông điệp. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, bao gồm tình trạng bắt nạt trên mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trước những hệ lụy này, việc làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng của mạng xã hội mà không rơi vào những tác động tiêu cực đang trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng.
Những năm qua, các cơ quan quản lý, nhà cung cấp nền tảng mạng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hạn chế, tháo dỡ kịp thời những thông tin có nội dung độc hại, có ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Đơn cử như Luật An ninh mạng ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội. Hay gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký Báo cáo số 187/BC-BTTT gửi các đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết về lĩnh vực thông tin truyền thông.
Trong đó, có một nội dung rất đáng chú ý là tới đây, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một bước tiến đáng chú ý nhằm góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ và đời sống văn hóa vốn đã và đang tràn lan trên mạng xã hội.
Với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các cơ quan chức năng, mạng xã hội từng bước được làm sạch, nhiều thông tin lệch lạc được ngăn chặn nhanh hơn, kịp thời hơn. Nhưng những giải pháp này vẫn luôn là yếu tố khách quan và khó có thể triệt để nếu không đề cập đến vai trò chủ quan của những người tham gia trực tiếp trên mạng xã hội. Các chuyên gia nhận định, để hình thành một mạng xã hội trong sạch, lành mạnh, mỗi người dùng cần có trách nhiệm với uy tín của bản thân khi sử dụng mạng xã hội. Trách nhiệm này không chỉ bao gồm việc tuân thủ các quy định của luật pháp mà còn phải tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn thương cho người khác.
Lâu nay, nhiều người thường nghĩ rằng mạng xã hội chỉ là một môi trường ảo, do đó những phát ngôn và lời lẽ được đăng tải sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến người khác hay cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế lại khác, vì nếu người dùng không có trách nhiệm với nội dung mình chia sẻ hoặc đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, điều này có thể vô tình dẫn đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp cũng như với xã hội. Vì vậy, thay vì nghĩ đây chỉ là môi trường ảo, người sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm giống việc ứng xử trong cuộc sống đời thường.
Đặc biệt với giới trẻ - nhóm người sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhất, họ càng phải có ý thức trách nhiệm và hành xử văn minh trong mọi hành động của mình. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi bạn trẻ cần xác định trách nhiệm của mình trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh với thông tin tiêu cực, thông tin chưa được kiểm chứng, tạo thành phong trào rộng khắp để cùng hướng tới một cộng đồng mạng lành mạnh, có ích trong cộng đồng.
Trao đi những thông điệp tích cực
Để hoàn thành trách nhiệm của mình trên mạng xã hội, giới trẻ đã tận dụng chính thế mạnh của các nền tảng này như một công cụ hiệu quả để kết nối cộng đồng. Họ không chỉ chia sẻ quan điểm và suy nghĩ cá nhân mà còn truyền tải những thông điệp tích cực, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến mọi người trên mạng xã hội.
Vẫn còn nhớ vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9, toàn bộ mạng xã hội từ Facebook, TikTok đều trở thành không gian để giới trẻ thể hiện lòng yêu nước qua những hình ảnh, video ấn tượng, qua đó nhận được hàng triệu lượt xem và sự hưởng ứng của nhiều người. Từ trào lưu “Chụp ảnh với lá cờ Tổ quốc”, “Cờ Tổ quốc ở trong mắt - Tổ quốc ở trong tim” cho đến “Biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc” đều được lan tỏa rộng rãi và thu hút sự tham gia của cộng đồng mạng. Đây chính là cách để giới trẻ thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc sâu sắc thông qua mạng xã hội.
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi bạn trẻ cần xác định trách nhiệm của mình. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Hà Giang) |
Có thể thấy, trong thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế, cách thể hiện lòng yêu nước của giới trẻ ngày càng đa dạng và sáng tạo. Nhờ vào mạng xã hội, giới trẻ không chỉ dễ dàng chia sẻ ý tưởng và quan điểm của mình mà còn có thể tạo ra những trào lưu có giá trị, như các chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường, sống xanh - sống đẹp, giữ gìn văn hóa dân tộc hay tôn vinh các anh hùng lịch sử.
Như các trào lưu thể hiện lòng yêu nước không chỉ đơn thuần là việc bày tỏ tình cảm mà còn góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa và các giá trị quốc gia. Thông qua các video, bài viết, hình ảnh hoặc các cuộc thi sáng tạo, giới trẻ có thể truyền tải những thông điệp sâu sắc về tình yêu nước, khuyến khích tìm hiểu về ý nghĩa của các biểu tượng và nhân vật lịch sử, từ đó cảm thấy tự hào hơn về nguồn cội và di sản văn hóa của mình.
Bên cạnh đó, để mạng xã hội không trở thành cái bẫy, cũng như chỉ cách nhận diện và phòng tránh lừa đảo trên mạng xã hội, một số bạn thanh niên đã chủ động tận dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp có ích, như hưởng ứng “Chiến dịch Tin” với chủ đề “Anti Fake News” - chống tin giả. Hay chia sẻ những câu chuyện cá nhân về các vụ lừa đảo bản thân gặp phải, từ đó cảnh báo cộng đồng, giúp mọi người nâng cao cảnh giác và phòng tránh những hành vi tương tự. Những hành động này thể hiện sự chủ động của giới trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội để bảo vệ bản thân và cộng đồng, đồng thời khẳng định vai trò của họ trong việc xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và đáng tin cậy.
Ngoài những hành động góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn hay cách tận dụng thế mạnh để truyền tải giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc, giới trẻ còn lan toả những hành động đẹp trên mạng xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, giới trẻ tích cực nhân lên những hành động đẹp ở cả ngoài đời và trên mạng xã hội.
Nếu là một người sử dụng mạng xã hội TikTok, có lẽ không khó để thấy hàng loạt clip các bạn trẻ giúp đỡ người khó khăn. Những video này vừa ghi lại những hành động thiết thực như phát quà, tặng đồ ăn hay hỗ trợ nơi ở, công việc cho người vô gia cư, vừa cho thấy “tấm lòng vàng” của thế hệ trẻ hiện nay. Đôi khi chỉ là một hành động giúp đỡ nhỏ được đăng trên mạng xã hội nhưng lại truyền tải những thông điệp vô cùng to lớn, mạnh mẽ về tình yêu thương, sự sẻ chia giữa người với người.
Nếu nói mạng xã hội là một con dao hai lưỡi không hề sai. Trên nền tảng này có những khía cạnh tiêu cực, nhưng cũng không thể phủ nhận những điều tích cực mà nó mang lại. Có chăng tốt hay xấu là do người dùng quyết định và giới trẻ, với trách nhiệm cao cả trong việc định hình môi trường trực tuyến, đang nỗ lực đưa ra ngày càng nhiều nội dung tích cực, nhân văn và truyền cảm hứng nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trên mạng xã hội.