"Chương trình" học đồng nhất
Trong cả ngàn năm đấu tranh với thế lực phong kiến phương Bắc, nền giáo dục Nho học cũng du nhập vào nước ta, dần dần được chấp nhận và trở thành chính thống. Theo một số nghiên cứu lịch sử, triết lý Nho giáo mà người sáng lập là Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên) đã có mặt ở nước ta trong khoảng 1.000 năm (kể từ thời Vua Ngô Quyền giành quyền tự chủ năm 938 cho đến khi bị thực dân Pháp đô hộ năm 1884). Cùng với đó, chữ Hán cũng trở thành văn tự hành chính chính thức được sử dụng qua nhiều triều đại.
Nếu ngày nay các em học sinh được học đủ các môn Văn, Toán, Lý, Hóa... để thu nạp kiến thức nhiều mặt thì ngày xưa, chỉ có một "chương trình" học duy nhất, đó là Nho học. Trên cơ sở một chương trình học, cách giảng dạy, cách tiếp thu, cách thi cử đều được tổ chức đồng nhất. Có chăng chỉ là ở mỗi triều đại khác nhau thì có những sửa đổi đôi chút sao cho hợp lý. Còn về căn bản vẫn là những giáo lý, quan điểm nhân sinh của Nho giáo.
Nhưng đừng nghĩ một chương trình học, một kiểu thi cử là dễ dàng cho các sĩ tử ngày xưa. Chỉ tính riêng Tứ Thư, Ngũ Kinh là những "sách gối đầu giường" cho người quân tử thì khối lượng kiến thức cần thu nạp đã rất "khủng khiếp". "Tứ Thư" gồm 4 bộ sách có tên: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. "Ngũ Kinh" gồm 5 cuốn sách có tên: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu, Kinh Dịch và Kinh Lễ.
Thầy phải "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý"
Cho dù ngày xưa hay ngày nay, người thầy ngoài việc có kiến thức sâu rộng thì còn phải là tấm gương sáng về đạo đức để học trò noi theo. Thời phong kiến, vị trí của người thầy lại càng được trọng vọng. Ngày nay, mỗi học sinh trên con đường học vấn được giảng dạy bởi rất nhiều thầy, cô giáo của nhiều bộ môn. Nhưng ngày xưa, các sĩ tử trong cả cuộc đời thường chỉ có cùng lắm là vài người thầy. Hiểu như thế để thấy rằng mỗi người thầy thời đó phải có sự uyên bác kiểu "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" thì mới đủ để truyền thụ kiến thức cho học trò.
Thầy đồ xưa dạy học bằng chữ Hán. Thông qua triết lý Nho giáo, học trò được dạy về đạo làm người; đạo trung quân ái quốc; đạo "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"; tam cương ngũ thường; đạo hiếu với mẹ cha, nghĩa vợ chồng... Mỗi một thầy đồ thường có nhiều học trò, gồm nhiều lứa tuổi với các chương trình giảng dạy khác nhau. Có thể ví dụ như lớp Sơ học gồm những học trò nhỏ tuổi, bắt đầu tập tành với việc luyện chữ và tiếp thu những kiến thức sơ đẳng. Chương trình dạy cho lứa tuổi này là sách Tam Thiên Tự gồm những khái niệm dễ thuộc dễ nhớ. Ví dụ: "Thiên là trời, địa là đất, cử là cất, tồn là còn, tam là ba, lục là sáu...". Khó hơn một chút là Tam Tự Kinh. Ví dụ: "Nhân chi sơ, tính bổn thiện..." (nghĩa là người sinh ra tính vốn là thiện); rồi "Nhân bất học, bất tri lý..." (nghĩa là con người không học thì không hiểu đạo lý); hoặc "Ấu bất học, lão hà vi..." (nghĩa là lúc trẻ không chịu học, khi tuổi già sẽ ân hận).
Khi học trò đã quen với chữ nghĩa và lớn tuổi hơn, những kiến thức khó như Tứ Thư, Ngũ Kinh mới dần dần được thầy đồ chuyển tải. Với những lớp sĩ tử chuẩn bị đi thi, người thầy ra những đề văn sách yêu cầu học trò viết. Sau đó, thầy sẽ tổ chức những buổi bình văn, phê bình chỉ giáo những điểm sai sót của học trò. Giai đoạn này là quyết định cho việc sĩ tử có thể đỗ đạt hay không. Nếu nắm bắt được những kiến thức, kinh nghiệm của thầy thì học trò mới đủ khả năng thành công nơi "trường văn trận bút". Bởi thời xưa, tuy các đề thi chỉ xoay quanh các vấn đề của Nho học nhưng mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Nếu người thầy am tường chính sự, có thể vạch ra cho học trò phương hướng để mưu cầu "quốc thái dân an" hợp với triều đình, thì học trò mới mong đỗ đạt.
Trò phải coi thầy như cha mẹ
Lều chõng san sát trong trường thi. |
Thời phong kiến, việc học hành đỗ đạt của học trò thường mang đậm dấu ấn cá nhân của thầy. Thầy giỏi thì trò hay. Vì thế, Nho học mới xếp người thầy trên cả cha mẹ. Ngày nay, có thể thấy sự sắp đặt vị trí này có phần khiên cưỡng nhưng thời đó, khi việc lập thân bằng con đường khoa bảng được coi trọng thì cũng là điều hợp lý.
Theo phong tục xưa, cha mẹ cho con đi học gọi là học chữ Thánh Hiền, học lễ nghĩa và đạo đức làm người. Khi đã được thầy thu nhận, học trò phải làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, cha mẹ cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con thông minh, học giỏi. Khi đến trường, tùy theo hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo, cha mẹ phải có lễ vật để tạ ơn thu nhận của thầy. Lễ vật có thể đơn giản như trầu cau, hương, đèn... những nhà khá giả có thể đem xôi, gà... những sản vật có giá trị thời đó đến nhà thầy để làm lễ. Cần hiểu việc này không phải để "lấy lòng" thầy. Những lễ vật học trò mang tới sẽ dùng đặt trên ban thờ Thánh (tức đức Khổng Tử), cẩn cáo rằng từ nay ngài có thêm môn sinh mới, theo học lễ nghĩa của Nho giáo.
Thời xưa, học trò dù lớn tuổi hơn, vẫn phải gọi các con trai của thầy là "thế huynh", tức coi như một người anh. Việc này để bày tỏ sự kính trọng đối với gia đình thầy học. Môn sinh của một thầy thường tổ chức nhau lại gọi là Hội đồng môn. Hội có trách nhiệm giúp đỡ thầy và gia đình thầy được hưng thịnh, an lành, theo đúng cung cách lễ nghĩa. Hội đồng môn thường tổ chức, vận động gia đình các môn sinh đóng góp tiền của để mua ruộng, tậu trâu rồi phân công cày cấy. Đến lúc thu hoạch, những hoa màu này được gánh đến nhà để thầy và gia quyến chi dùng. Việc này là tục lệ bắt buộc bởi ý nghĩa có giải thoát thầy khỏi nỗi lo "cơm áo gạo tiền" thì thầy mới có thể toàn tâm, toàn ý vào việc dạy dỗ học trò.
Vào những dịp lễ, Tết, học trò cùng cha mẹ phải đến tạ ơn thầy theo đúng lễ nghĩa. Lễ vật nhiều ít không quan trọng, có thể là thúng gạo, tấm vải hoặc chỉ là chai rượu, đĩa xôi, nhưng là lòng thành bày tỏ sự kính trọng với người dạy chữ Thánh Hiền. Phong tục xưa, nếu không may thầy mất sớm, học trò ngoài việc lo tang ma chu đáo thì còn đóng góp việc giỗ chạp hàng năm. Học trò để tang thầy giáo trong 3 năm như để tang cha mẹ. Chỉ khác là học trò không đeo khăn tang. Việc này gọi bằng "tâm tang tức" nghĩa là để tang trong lòng.
Thời xưa, còn có tục lệ rất hay nhằm đề cao công ơn của người thầy. Đó là cho dù học trò đỗ đạt, làm quan to đến đâu, khi trở về thăm thầy vẫn phải giữ đúng phép tắc kẻ dưới. Các quan lại phong kiến khi đi lại thường có quân lính "tiền hô, hậu ủng", có người che lọng, quạt mát, lại có cờ hiệu để phân biệt các chức quan. Nhưng dù có uy danh đến đâu, nếu về thăm thầy học, vị quan đó vẫn phải cụp lọng, hạ cờ, bỏ mũ và đi bộ tới nhà thầy. Nếu có gì sơ suất, vị quan sẽ bị chê cười là "vong ân phụ nghĩa" và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, mối quan hệ thầy trò đã được cởi mở rất nhiều. Chúng ta vẫn đề cao truyền thống "tôn sư trọng đạo", "tiên học lễ, hậu học văn" nhưng dù sao, nhiều phong tục rườm rà, hà khắc cũng không còn tồn tại nữa. Tìm hiểu sơ lược vài nét về việc dạy và học của người xưa để thêm hiểu giá trị của đạo thầy trò. Bởi thời nào cũng vậy, "thầy ra thầy, trò ra trò" thì việc giáo dục mới có thể thành công.
Đi thi thời phong kiến
Sĩ tử xưa thường phải trải qua 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Trường thi tổ chức ở các tỉnh lớn, là một bãi đất rộng hàng trăm mẫu. Xung quanh được rào kỹ bởi hàng rào tre có lính canh gác cẩn mật. Trường thi thường có 9 cửa cho thí sinh ra vào. Giữa có nhà thập đạo và nhà các quan chấm trường. Các vị này là những người có học vấn uyên bác, do vua lựa chọn và cử đến. Thí sinh đem theo lều chõng làm bằng tre nên mới có câu "lều chõng đi thi".
Lều để che mưa nắng, chõng vừa làm giường ngủ, vừa làm bàn để viết bài. Thí sinh tự mua giấy bản đóng thành bốn quyển tập, mỗi tập dày khoảng mười tờ. Trên quyển ghi tên, tuổi thí sinh, tên cha mẹ, quê quán, đem nộp cho quan Đốc học của tỉnh cả tháng trước ngày thi. Quan Đốc học nhận rồi đóng thùng gửi đến trường thi. Khi vào thi, thí sinh được nhận lại các quyển của mình để làm bài. Có những kỳ thi kéo dài cả tháng trời.