“Chia sẻ cùng thầy cô” 2023: Ước mong đau đáu vì học trò

Các thầy, cô giáo phát biểu trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2023.
Các thầy, cô giáo phát biểu trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2023.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ tuyên dương 58 thầy, cô tiêu biểu dân tộc thiểu số, các vùng miền khó khăn trên cả nước vừa diễn ra tại Hà Nội vào tối 17/11. Trước đó, các thầy cô đã có dịp gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban Dân tộc để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất cho học trò cùng miền đất còn nhiều gian khó.

Mong học sinh vùng cao bớt khó khăn

Sáng 17/11/2023, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức gặp mặt 58 thầy giáo, cô giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 16 và 17/11, nhằm hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11.

Chương trình được Trung ương Hội Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Chương trình ghi nhận những cống hiến bền bỉ của đội ngũ thầy, cô giáo - những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Tại buổi gặp mặt, các thầy, cô giáo bày tỏ niềm vui, vinh dự khi được tham gia Chương trình và được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tiếp đón. Nhân dịp này, các thầy, cô giáo cũng đã đề xuất với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc một số vấn đề còn khó khăn của địa phương, của ngành Giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: nâng cao chế độ hỗ trợ cho giáo viên, học sinh tại vùng dân tộc thiểu số; có chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng, vật chất cho giáo viên, học sinh…

Cô Lý Thị Lan (người dân tộc Nùng) tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về cuộc sống khó khăn của các thầy cô, các em học sinh tại trường mình. Phụ huynh học sinh ở đây đa phần phải đi làm công nhân ở xa nên không có điều kiện quan tâm đến con em. Chính vì vậy, các thầy, cô giáo phải thường xuyên đến động viên, thăm hỏi các em, vận động các em đến trường, đến lớp. Cô Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để đời sống của các học sinh, thầy, cô vùng dân tộc thiểu số được nâng cao, để thầy, cô an tâm công tác.

Cô Hoàng Thị Huyền tại huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang cho biết, trên vùng cao mùa đông rất lạnh mà trang thiết bị phục vụ cuộc sống còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cô Huyền mong Ủy ban Dân tộc và các ngành chức năng sẽ có những chương trình hỗ trợ cho đời sống các em học sinh và giáo viên vùng cao được tốt hơn.

Sau khi nghe chia sẻ của các thầy, cô, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đã ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của 58 thầy, cô giáo được tuyên dương trong năm nay. Thứ trưởng mong rằng, các thầy, cô trong bất cứ hoàn cảnh nào sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu giảng dạy, công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình. Chia sẻ khó khăn của các thầy, cô giáo, Thứ trưởng đề nghị các vụ, chức năng của Ủy ban Dân tộc tiếp thu để dựa vào đó triển khai các chương trình, phong trào cho phù hợp. Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã trao quà và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 58 thầy, cô giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2023.

Vì môi trường giáo dục hạnh phúc

Trước đó, chiều 16/11, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã gặp mặt và tặng Bằng khen cho 58 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tuyên dương. Tại chương trình, các thầy, cô giáo đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy, cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các thầy, cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.

Cô Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định chia sẻ, sau hơn 32 năm gắn bó với nghề, trong đó 24 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa: “Có những hôm qua sông, vượt lũ, phụ huynh phải cõng đi qua, giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có cầu, đường để đi lại thuận lợi hơn”. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ khi đi dạy ở vùng đồng bào đòi hỏi các giáo viên như cô phải nỗ lực rất lớn. “Chúng tôi mong rằng, các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến các em vùng sâu, vùng xa để kéo gần khoảng cách giữa học sinh vùng sâu, vùng xa và miền xuôi, thành thị”, cô Ngà bày tỏ.

Còn với thầy Nguyễn Thanh Dương, công tác được 6 năm 3 tháng tại Trường THCS Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, khó khăn lớn nhất là hoàn cảnh của học sinh. Có nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì gia đình nghèo, không đủ điều kiện cho con đến trường. Thầy Dương bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến các địa phương ở các tỉnh, thành xa xôi, nhất là điều kiện về giao thông, để các em đến trường dễ dàng hơn.

Là giáo viên tổng phụ trách Đội, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân (Trường THCS Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) nhận thấy bên cạnh đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, các em học sinh còn chịu thiệt thòi trong cuộc sống cũng như trong học tập, giáo dục do cha mẹ ly hôn sớm, cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Cô Vân xúc động chia sẻ, trong thời đại công nghệ số, ngoài tăng cường kỹ năng số cho các em, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Làm sao kết nối với học sinh, học sinh kết nối với giáo viên và học sinh với phụ huynh để vừa tiếp thu công nghệ hiện đại mà không mất đi tình cảm giữa người với người.

TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến của các thầy, cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ mong muốn các thầy, cô đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa để tạo ra trường học hạnh phúc, an toàn cho con em học sinh, để con em đến trường không bị bạo lực học đường, ngộ độc thực phẩm hay tác động xấu của xã hội như thuốc lá điện tử, phải bảo đảm sức khỏe học đường cho các em... Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đang đệ trình lên Quốc hội cũng như tham mưu cho Chính phủ để có những cơ chế chính sách hỗ trợ từng bước cho các thầy, cô giáo, nhất là các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. “Năm 2021, qua nghe những thông tin từ phía các thầy, cô giáo, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT và các ban, ngành có liên quan đã phát động Chương trình “Điều ước cho em” trên quy mô cả nước, nhằm hỗ trợ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh đủ điều kiện cho các trường và điểm trường tại các khu vực khó khăn”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

“58 thầy, cô giáo tiêu biểu tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 cũng như 458 thầy giáo, cô giáo đã được tuyên dương trong qua 8 năm đều là những tấm gương tiêu biểu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo... Các thầy, cô đã hy sinh thầm lặng, gắn bó, bám trường, bám bản, mang con chữ đến cho học sinh, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Những người vừa dạy chữ, vừa dạy người, tham gia tích cực các hoạt động, từ đó động viên, khích lệ, khơi dạy khát vọng cho học trò chính là những tấm gương sáng để chúng ta noi theo” - TS. Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Các thầy, cô đã, đang và sẽ tiếp tục tô thêm bức tranh tươi đẹp ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc nói chung, giáo dục đào tạo nói riêng” - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn.

Đọc thêm

Nghị lực nữ sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Quảng Bình

Các thầy cô trong trường thăm và tặng quà gia đình Hà dịp Tết Giáp Thìn. (Ảnh: Q.Bình)
(PLVN) - Cô học trò ở Quảng Bình mồ côi cả cha lẫn mẹ, suýt phải bỏ học vì nghèo, nhưng vượt lên hoàn cảnh, em đã học rất giỏi, thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học. Đó là tân sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hà, ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.

Lo ngại tình trạng học lệch nếu cố định môn thi lớp 10

Ảnh minh họa

(PLVN) - Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nếu để địa phương tự chọn môn thi vào lớp 10 có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây nhiều hệ lụy. Song nếu chọn một môn cố định, Bộ lo ngại tình trạng học tủ, học lệch.

Hướng nghiệp cho học sinh sinh viên huyện Long Thành

Hướng nghiệp cho học sinh sinh viên huyện Long Thành
(PLVN) - Ngày 6/10, Huyện đoàn Long Thành phối hợp với CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Doanh nhân Trẻ Đồng Nai, cùng Chi hội Doanh nhân trẻ Long Thành; Công ty CP giáo dục quốc tế AMG tổ chức Hội thảo hướng nghiệp 2024 “Shape your future", dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện Long Thành.

'Giao lộ ước mơ' - kết nối thanh xuân từ ngọn lửa đam mê

'Giao lộ ước mơ' - kết nối thanh xuân từ ngọn lửa đam mê
(PLVN) - Ngày 3/10, Premiere 2024: Emoland đã tung ra bộ ảnh truyền thông “Giao lộ ước mơ” trên fanpage. Bộ ảnh mang đến cho các bạn tân sinh viên thông điệp về sự kết nối từ ước mơ. Bộ ảnh đã nhận được lượt tương tác và phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên.

Công bố cấu trúc đề thi 3 môn tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sở GD&ĐT TP HCM mới công bố cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ giữ nguyên 3 môn thi bắt buộc như các năm trước là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 

Hà Nội cảnh báo học sinh dùng đồ ăn, uống không rõ nguồn gốc

Một số học sinh có biểu hiện ngộ độc sau khi dùng nước ngọt đóng chai được phát miễn phí ngoài cổng trường được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thanh Oai (Ảnh: BVCC)
(PLVN) - Liên quan đến sự việc nhiều học sinh Trường THCS Bình Minh (Thanh Oai) có biểu hiện nghi ngộ độc khi sử dụng nước ngọt được phát miễn phí gần cổng trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra cảnh báo chung, học sinh trên địa bàn thành phố không sử dụng các sản phẩm phát, tặng không rõ nguồn gốc.

Đưa học viên cao học đi thực tế chính trị- xã hội

Đoàn Học viên cao học Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Học viện báo chí và Tuyên truyền đầu tiên được đi thực tế cơ sở trong quá trình đào tạo trong buổi làm việc tại huyện Lý Nhân (Hà Nam)
(PLVN) -  "Chuyến đi là cơ hội để các học viên, giảng viên của khoa trực tiếp quan sát, tìm hiểu các chính sách đang được triển khai tại cơ sở", PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ.