Đã khó…
Nghiên cứu về thực trạng và cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thực hiện với hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) cho thấy tỷ lệ LĐ nữ thiếu việc là 2,84% và thất nghiệp là 3,57%, cao hơn mức tương ứng đối với nam giới là 2,02% và 2,78%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ LĐ nữ tham gia lực lượng LĐ chiếm 65,7%, thấp hơn 17,7 điểm so với LĐ nam. Số giờ LĐ bình quân trong một tuần của LĐ nữ là 39,1 giờ, thấp hơn 4 giờ so với LĐ nam.
Thu nhập bình quân của LĐ nữ thường thấp hơn của nam và khoảng cách có xu hướng gia tăng (trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản năm 2010 là 1,3 triệu đồng/người/tháng và năm 2016 là 1,43 triệu đồng/người/tháng). LĐ nữ thường làm trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản, nông nghiệp…
Trong bối cảnh ĐBSCL đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, tình trạng thu hồi đất nông nghiệp phục vụ mục đích khác và với đặc thù làng nghề kém phát triển, việc làm phi nông nghiệp cho phụ nữ nông thôn khu vực này đang là bài toán khó.
Trong thời gian qua, hàng loạt chính sách về đào tạo và việc làm cho LĐ nữ cả nước nói chung và LĐ nữ ĐBSCL nói riêng đã được ban hành, như Quyết định 2351/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” cùng các đề án đào tạo LĐ và hỗ trợ việc làm cho LĐ nông thôn…
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu Thị trường & Ngành hàng (IPSARD), đa phần các chương trình chưa linh hoạt, đào tạo cho phụ nữ chủ yếu ngắn hạn, tập trung vào các nghề phụ nữ thường làm hàng ngày như trang điểm, cắm hoa, nấu ăn… nên kết quả là LĐ nữ vẫn khó tìm việc.
“Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, cơ hội đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp của LĐ nữ ĐBSCL vẫn thấp toàn diện so với mặt bằng chung của cả nước…” - đại diện IPSARD đánh giá.
Thêm khó…
Bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hậu Thành, xã Long An (Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết, từ 70 chị em tham gia tổ đan thảm lục bình (năm 2010) đến nay HTX đã thu hút được 200 LĐ với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Mặc dù nhu cầu sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều và cơ hội phát triển nghề này trong tương lai rất lớn, nhưng theo bà Yến, muốn dựa vào nghề này để phát triển kinh tế gia đình, coi đó là nguồn thu nhập ổn định thì hiện đang đứng trước khó khăn như: Thiếu vốn mua nguyên liệu do giá nguyên liệu hiện rất cao, khó khăn trong việc xoay vòng vốn.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có nghề thủ công, nhiều địa phương, LĐ nữ vẫn quẩn quanh với nghề nông bấp bênh, trong khi sự phát triển của khoa học công nghệ, tự động hóa như hiện nay đang đe dọa trực tiếp đến cơ hội việc làm cho phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật cho chị em, như: Tổ chức các lớp sử dụng công cụ số để thúc đẩy kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp… Tuy nhiên, theo bà Hương, cần có thời gian để chị em được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, để làm quen với kiến thức mới.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre bày tỏ lo ngại LĐ nữ sẽ có nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn trong bối cảnh CMCN 4.0. Một ví dụ dễ nhận ra là, sự phát triển của bán hàng online và các siêu thị, trung tâm thương mại đang cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống. Mà đây lại là nơi LĐ phụ nữ chiếm lực lượng lớn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của chị em…
Theo đề xuất của IPSARD, cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho LĐ nữ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ nữ…; Tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, quan tâm giải quyết việc làm cho LĐ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; Có chính sách khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp cho LĐ nữ, nhất là LĐ nữ nông thôn lớn tuổi (thúc đẩy làng nghề, nghề dịch vụ tại địa phương…).
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, nâng cao kiến thức số, đào tạo kỹ thuật tiên tiến cho phụ nữ và trẻ em gái. “Việc đào tạo kỹ thuật phải có mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường cơ hội việc làm trong tương lai trong bối cảnh CMCN 4.0…” - đại diện IPSARD lưu ý.