Diễn đàn do Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 17/7 thu hút sự tham gia của lãnh đạo rất nhiều các cơ quan báo chí…
Cạnh tranh với mạng xã hội - Báo chí phải tạo ra cái doanh nghiệp cần!
Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa DN với BC, song trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả DN và BC đang đứng trước nhiều thách thức. Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Bros, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, BC phải chất lượng nhưng BC cũng phải “sống”, phải tạo ra được nguồn thu.
“Có nhiều mâu thuẫn xảy ra để đảm bảo BC có được nguồn thu, chúng ta không thể để phóng viên đưa tin thiếu trung thực làm tổn hại đến DN nhưng cũng không thể có sự thoả hiệp nếu DN có sai phạm. Vậy làm sao để BC có nguồn thu?”, ông Vinh đặt vấn đề.
Theo Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo TW, tổng doanh thu của BC năm 2018 là 15.000 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh thu BC đang sụt giảm nghiêm trọng, khoảng 60-70% chi phí quảng cáo của DN "trôi" vào túi Google và Facebook. Từ thực tế này, ông Vinh lo ngại khi DN ngày càng lớn lên, chi phí cho truyền thông tăng lên thì tỉ lệ thu của BC lại giảm mạnh, năm nay dự báo chỉ còn 29%. “Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng, DN hiện chưa hiểu hết được lợi ích của BC truyền thông”, Vinh nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Le Bros cho biết, các xu hướng mới của BC gồm BC chậm, BC đầu tư sâu với xu hướng sáng tạo trong BC như phương thức đưa tin phi truyền thống và công cụ video, longform… đang làm tiết kiệm chi phí truyền thông cho DN. Cùng với đó, khối lượng thông tin khổng lồ từ BC là data dữ liệu cho DN. Loại hình longform của BC tạo ra sản phẩm truyền thông hoàn thiện hơn cho DN cũng như của một vấn đề của xã hội - đây là điều mà mạng xã hội không làm được.
“Theo New York Times, doanh thu họ có được từ người đọc là 1 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam cơ quan BC chỉ có doanh thu từ quảng cáo mà không có doanh thu từ bạn đọc. Làm thế nào để DN ứng dụng được những thay đổi của BC?”, ông Vinh đặt vấn đề.
Chủ tịch Le Bros cho rằng, truyền thông 4.0, thương hiệu đang làm theo cách tìm ra nền tảng truyền thông hữu ích để nói chuyện với khách hàng, bạn đọc của họ, tạo tính tương tác cao, không còn đơn thuần là quảng cáo nữa. Do đo, BC phải tạo ra được cái mà DN cần. Theo đó, DN muốn truyền thông theo kiểu Build Human Brands (truyền thông con người). Đây là phương thức truyền thông giống BC nhưng tạo cảm xúc cho thương hiệu DN. Báo chí phải tạo ra được cách kể chuyện tương tác như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của DN, DN cần báo chí thấu hiểu, truyền tải những câu chuyện của họ qua cách kể chuyện với hình ảnh đẹp…
Siết chặt quản lý mạng xã hội - dư địa cho kinh tế báo chí phát triển
“Tôi làm việc với nhiều DN như Vingroup, Sungroup, Thaco…, các DN này rất quan tâm tới truyền thông và quan hệ với BC; Phối hợp với BC để thông tin, giới thiệu về DN, sản phẩm của DN tới thị trường trong nước và nước ngoài”, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Ban Tuyên giáo TW chia sẻ.
Ông Lê Mạnh Hùng – Phó Ban Tuyên giáo TW phát biểu tại Diễn đàn |
Ông Hùng cho biết, theo thống kê, chi phí quảng cáo mỗi năm của DN Việt là hơn 1 tỷ USD, nhưng thị phần quảng cáo của riêng Facebook và Google là 12.000 tỷ đồng. Đài truyền hình 5.000 tỷ đồng còn lại hơn 8.000 tỷ đồng chia cho hơn 900 cơ quan BC.
Cùng trăn trở với câu chuyện “cơm áo gạo tiền” của các các cơ quan BC, Phó ban Tuyên giáo TW khẳng định kinh tế BC phải gắn liền với cơ quan BC và đặt vấn đề: “Làm thế nào điều chỉnh quảng cáo trên các trang mạng xã hội để làm kinh tế BC?”.
Ông Hùng cho rằng cần phải nhìn lại cách tư duy và chỉ đạo. “DN thấy có những trang mạng rẻ tiền, câu view hay trang quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, trang phản động nhưng lại sử dụng vì view cao. Do đó, DN phải nhận thức sâu sắc đầy đủ các kênh thông tin truyền thông từ các cơ quan BC”, ông Hùng nhấn mạnh.
Về phía quản lý nhà nước, Phó Ban Tuyên giáo TW khẳng định Google và Facebook hoạt động tại Việt Nam phải gỡ tin trái thuần phong mỹ tục gắn liền với quảng cáo, phải nộp thuế nhưng thực tế qua kiểm tra thì 12.000 tỷ đồng Facebook và Google thu được chưa hề đóng thuế.
Ông Hùng cũng cho biết, những trang xấu độc hại sẽ được quét thông tin, đồng thời liên kết Ngân hàng nhà nước không chuyển tiền với thông tin không trong sáng, các đường truyền của những trang này cũng sẽ bị dừng lại…
“Qua thời gian siết chặt vừa rồi thị phần của Google và Facebook trong 3 tháng qua đã giảm hẳn. Do đó, có thể nói, dư địa của BC và DN sẽ tăng lên trong thời gian tới”, ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên, Phó ban Tuyên giáo TW cũng lưu ý, quan trọng bản thân DN và BC phải có sự thấu hiểu, chia sẻ và hợp tác. Ông đề nghị, khi thực hiện bài viết, nhà báo phải gắn động cơ xây dựng DN và đất nước hùng cường. Về phía các DN, phải cung cấp thông tin kịp thời cho BC cả thuận lợi và khó khăn…
Phát động Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ VII
Trong khuôn khổ Diễn đàn, nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm viết về chân dung các nhà DN, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các tác phẩm BC tuyên truyền về công tác này, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TW và VCCI, Báo Diễn đàn DN đã phát động Chương trình bình chọn các tác phẩm BC viết về doanh nhân - DN và môi trường kinh doanh lần thứ VII dành cho các tác phẩm BC trên toàn quốc.
Phát biểu tại Lễ phát động, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, Chương trình bình chọn “Tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh” năm nay được đặt trong bối cảnh Đại hội Đảng chuẩn bị diễn ra và bày tỏ mong muốn cuộc thi năm nay sẽ không chỉ chia sẻ kinh nghiệm tốt, điển hình hay, mà nhấn mạnh vào hiến kế cho Đảng và Nhà nước về chủ trương cho quá trình khởi nghiệp sáng tao của đất nước...
Các tác phẩm tham dự là các tác phẩm được sử dụng từ ngày 13/10/2018 đến 15/9/2019 với các thể loại gồm: bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, bút ký BC. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa không quá 5 tác phẩm và gửi về Báo Diễn đàn DN, tầng 5, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội. Thời gian nhận tác phẩm từ 17/7 đến 15/9/2019.