Những “điểm nghẽn”
Công nghiệp văn hóa (CNVH) là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa, được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ. Các ngành CNVH thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế.
CNVH là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân.
Ngày 08/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP.
Có thể thấy rằng, Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc và 198 không gian sáng tạo phân bổ trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa. Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng con đường vươn tầm thương hiệu CNVH, định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ CNVH ra thế giới còn rất khó khăn. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ Việt Nam chưa thể tạo nên được ngành CNVH với các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu là do chúng ta chưa thực sự tạo được sự liên kết giữa truyền thống với các giá trị chung mới hiện đại toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định, Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng các sản phẩm CNVH nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm CNVH vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Có thể thấy, các sản phẩm CNVH Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Sự đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa. Mặt khác, việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với người nước ngoài. Việt Nam chưa có các sản phẩm văn hóa đẳng cấp quốc tế do chưa có sự đầu tư tương xứng.
Hiến kế cho công nghiệp văn hóa “cất cánh”
Phim Gái già lắm chiêu 5 được quay tại Thừa Thiên Huế. (ảnh trong phim) |
Để đạt được mục tiêu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP vào năm 2023, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, “nút thắt” chúng ta phải mở là xây dựng một chiến lược bài bản: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển CNVH nó sẽ có chủ thể, ví dụ như nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, Nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động”. “Đừng để nghệ sỹ giỏi phải sống trong những cơ sở xập xệ. Cần có điều kiện nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng sáng tạo “cất cánh” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương gợi mở. CNVH đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn “tài nguyên mềm” văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.
Góp phần phát triển CNVH cũng như nâng tri thức người dân, năm 2024, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chỉ tiêu: “Mỗi người dân TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ hướng dẫn tập luyện miễn phí chương trình cơ bản ít nhất một môn thể dục thể thao, một loại hình nghệ thuật; được miễn phí vào tham quan các bảo tàng công lập trực thuộc Sở; miễn phí xem các chương trình nghệ thuật do đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở tổ chức nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện của thành phố, đất nước...
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng khẳng định, giá trị văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt. Đà Nẵng và một số địa phương khác ở miền Trung, từ nhiều năm nay đã thống nhất xây dựng thương hiệu chung là “Miền di sản diệu kỳ”, với mục đích phát huy các nhóm sản phẩm như “Hành trình di sản” hay “Con đường di sản miền Trung”… Đây là nhóm sản phẩm du lịch phát huy được các yếu tố văn hóa vùng miền rất rõ nhằm tạo sự khác biệt không chỉ với khách quốc tế mà ngay cả với khách du lịch trong nước.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lại mong muốn, quần thể di sản Huế sẽ xây dựng thành phim trường lớn. Với những nét đẹp văn hóa riêng có và cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, Huế đang sở hữu một viên ngọc quý mà gần như chẳng nơi nào có được trong điện ảnh. Đó là nét duyên, cổ kính, trầm mặc của đền đài, cung điện, di tích, kiến trúc Pháp... Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến của nhiều đạo diễn, đoàn làm phim, đặc biệt là các phim điện ảnh Việt Nam. Không chỉ quảng bá hình ảnh thiên nhiên, di sản văn hóa và con người xứ Huế đến với bạn bè cả nước và quốc tế, đây còn là cơ hội để khai thác tiềm năng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành “phim trường” lớn. Các di tích nổi tiếng khác như: Ngọ Môn, Duyệt Thị Đường, Trường Lang Tử Cấm thành, lăng Minh Mạng, cầu Dã Viên… cũng đã xuất hiện trên nhiều bộ phim.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh việc lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa. Những giá trị văn hóa đa dạng, giàu bản sắc đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hà Giang. Một số lễ hội như: Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội khèn và lễ hội thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông; cầu mùa của người Lô Lô; lễ cấp sắc của dân tộc Dao; lồng tông của dân tộc Tày... Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc được bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Hà Giang xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ, Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại, đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương. Chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; đầu tư nghiên cứu phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương, xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút khách du lịch…
Nhà sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh gợi mở, Hà Nội và các tỉnh, thành khác có những không gian trống, bỏ hoang như các nhà máy công nghiệp, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác nhờ ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Và khi làm điều đó sẽ có rất nhiều ngành nghệ thuật như mỹ thuật, kiến trúc... cộng hưởng vào, từ đó sẽ giúp công việc sáng tạo thành công và thương mại hóa được sản phẩm.