Chìa khóa văn hóa
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết hồi tháng 5/2015 đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại hai nước, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường 51 triệu dân này. Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa được tận dụng hiệu quả, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt việc nắm bắt xu hướng, hiểu biết văn hóa người Hàn Quốc để có chiến lược sản phẩm phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh chưa được đầu tư bài bản.
Theo ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam nên tận dụng lợi thế đối với các sản phẩm gia dụng, thủy sản vì xu hướng các nhà đầu tư chuyển nhà máy sang vùng nguyên liệu đang tăng; việc cạnh tranh nguồn cung chất lượng cao cũng là một lợi thế của Việt Nam khi các sản phẩm có chất lượng cơ bản đồng đều và ổn định so với một số nước trong lĩnh vực thủy sản. Việt Nam cũng đang dần trở thành cơ sở chế biến ngũ cốc tại khu vực, điều này nhận được nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc tận dụng lợi thế lại đang là khoản yếu của doanh nghiệp trong nước. Mặc dù chất lượng sản phẩm Việt Nam không thua kém so với các nước nhưng nắm bắt thông tin thị trường chưa được quan tâm đầy đủ. Cần mở rộng nghiên cứu các tập tục văn hóa, tâm lý tiêu dùng và những chuyển biến trong xã hội Hàn Quốc.
Một số tâm lý và định kiến người tiêu dùng Hàn Quốc mà doanh nghiệp Việt cần đặc biệt quan: Hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không đảm bảo vệ sinh; Hàng Hàn Quốc chất lượng là số 1; niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm... Ngoài ra, hàng trăm đại siêu thị (Hypermarket), hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ (supermarket), hàng chục ngàn cửa hàng tiện ích và hàng trăm ngàn cửa hàng gia đình đã khiến sự cạnh tranh và hệ thống hóa cao độ kênh phân phối, hệ thống nhập khẩu, mua hàng và bảo quản phức tạp.
Vì vậy, muốn phát triển ổn định ngoài chất lượng còn phải tính đến cạnh tranh về giá, về thiết kế nhãn hàng hóa, sản phẩm. Hàn Quốc là quốc gia phát triển, trình độ dân trí cao, người tiêu dùng đề cao sự đơn giản nhưng mang nét tinh tế. Điều này hiện đang trái ngược so với thiết kế nhãn hàng sản phẩm Việt. Ngoài ra, tại Hàn Quốc sau nhiều vụ tẩy chay mỹ phẩm có sử dụng chất cấm, người dân xu hướng quay về với sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Ví dụ: Thay vì sử dụng sữa rửa mặt thì người dân xứ Kim chi lại dùng nước vo gạo, chế phẩm từ trấu để làm đẹp.
“Thương hiệu mượn”
Để một thương hiệu mới đặt chân được vào Hàn Quốc là rất khó bởi thị trường này có những thương hiệu riêng, chưa kể đến yêu cầu về đầu tư rất lớn từ quảng bá, xây dựng thương hiệu. Nhưng xu hướng “Thương hiệu mượn” trong năm 2016 – 2017 tại Hàn Quốc có nhiều ích lợi với doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm Việt Nam thiết kế theo thương hiệu Hàn Quốc nhưng nguyên liệu, chất liệu và công nghệ Việt Nam bằng cách xin đơn vị nắm giữ bản quyền được dán tem thương hiệu nổi tiếng của Hàn, người tiêu dùng xứ Kim chi có thể biết đến hàng Việt thông qua tem dán được bảo đảm bởi thương hiệu uy tín trong nước. Qua đó, doanh nghiệp Việt dần dần có vị trí, sau một thời gian đủ dài có thể thành lập công ty.
Một điểm đáng lưu ý, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc tương đối đông, hơn 200.000 người đang sinh sống và làm việc ở nhiều nơi, thường bán hàng theo hình thức Door to door Service (phục vụ tận nhà) để có thêm thu nhập. Hình thức này hiện đang khá thành công và xu hướng liên kết thành mạng lưới tiêu thụ rộng khắp, nếu kết hợp hiệu quả, thương hiệu Việt sẽ có thị phần tại thị trường ngách.