Làm gì để giảm những vụ án thương tâm 'nồi da xáo thịt'?

Ám ảnh các vụ án mạng trong gia đình.
Ám ảnh các vụ án mạng trong gia đình.
(PLVN) - Những vụ án “nồi da xáo thịt”, người một nhà tương tàn luôn khiến dư luận đau lòng. Phải chăng bên cạnh sự phát triển về kinh tế, ở một số khía cạnh, văn hóa giáo dục đã không có những bước chuyển mình đổi mới thích ứng kịp thời, có những thang bậc giá trị truyền thống đã tỏ ra không còn phù hợp.

Những vụ án ám ảnh dư luận

Chỉ trong vòng chục ngày đầu của tháng 11, đã có ba vụ án thương tâm xảy ra. Đó là vụ bà nội sát hại cháu ở Yên Thành, Nghệ An; vụ tranh tài sản con bắn chết cha ở Thanh Ba, Phú Thọ và mới chiều ngày 13/11 là vụ chồng giết vợ ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Trước đó, cũng đã có hàng loạt vụ án tương tự xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. 

Đơn cử như vụ án xảy ra vào cuối tháng 5/2019, tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, người dân phát hiện 3 người trong một gia đình, trong đó có người vợ 31 tuổi đang mang thai tháng thứ 8 và con gái mới 4 tuổi, đã chết trong một phòng trọ.

Người chồng 35 tuổi, quê Thanh Hóa, được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bởi một sợi dây dù. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan chức năng nhận định do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, người chồng đã dùng dao tước đoạt mạng sống của vợ và con, sau đó dùng dây dù treo cổ tự tử.

Đầu tháng 9/2019, dư luận cũng bàng hoàng sau vụ anh trai mâu thuẫn từ tranh chấp đất đai, cầm dao truy sát cả nhà em ruột gây nên cái chết của 4 người ở Đan Phượng (Hà Nội). Sau đó ít ngày là vụ thảm sát tại Thái Nguyên khi anh trai dùng dao đâm chém cả nhà em gái khiến 2 người chết, một người trọng thương. Tới ngày 19/9/2019 tiếp tục xảy ra vụ em trai cầm súng bắn chết chị dâu và khiến anh ruột trọng thương ở Bình Phước…

Ngày 5/6/2019, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người.

Năm 2018, cả nước xảy ra 1.074 vụ giết người. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra 447 vụ giết người. Đáng lưu ý là nhiều vụ giết người có hành vi gây án dã man, tàn bạo. Theo kết quả phân tích các vụ giết người, có khoảng 15-17% số vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60-70% số vụ do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu.

Đâu là nguyên nhân?

Vấn đề đặt ra là vì sao ngày càng có nhiều vụ án đau lòng như vậy? Và nguyên nhân là gì? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Trở lại với vụ án bà nội giết cháu ở Yên Thành, Nghệ An, ngày 7/11/2019, trao đổi với truyền thông bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, qua điều tra cho thấy vụ bà nội sát hại nguyên nhân chính là do mâu thuẫn gia đình. 

Thông tin từ Bộ Công an cho thấy, để từng bước góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ giết người và các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, lực lượng Công an đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp.

Ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người.

Lực lượng chức năng xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.

Đồng thời, ngành tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Hường (64 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An), do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng con trai bà đi làm ăn trong miền Nam, để ông bà nuôi cháu T. Quá trình nuôi ông bà cũng rất vất vả.

Thời gian gần đây, bố cháu T. về ở chung với ông bà thì xảy ra nhiều mâu thuẫn. Những mâu thuẫn đó không những không được tháo gỡ mà ngày càng âm ỉ mạnh hơn, thậm chí diễn ra cả trong những bữa cơm gia đình. 

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết, theo lời khai của bà Hường, con trai bà rất hỗn hào với cha mẹ. Đầu tháng 10 âm lịch, thấy gia đình khó khăn, thương ông nên bà đi mua măng và thịt lợn về nấu cho gia đình ăn.

"Khi dọn cơm ra thì bà có gắp cho ông một miếng thịt nhưng người con trai chửi, lấy lại miếng thịt ấy bỏ sang cho cháu T., người ông khóc và bảo thế này thì ông tự tử, nên bà rất tức giận" – theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu. Trong quá trình ở với ông bà, người cháu cũng không được ngoan ngoãn, lễ phép. 

Ở những vụ án khác, có thể thấy những lý do như tranh chấp đất đai, tiền bạc nổi lên là lý do hàng đầu gây ra những mâu thuẫn không thể hòa giải, dẫn tới những nhát dao oan nghiệt như vụ anh trai sát hại gia đình em ở Đan Phượng, Thái Nguyên, em trai bắn chết chị dâu và khiến anh ruột trọng thương ở Bình Phước…

Theo lẽ thông thường, hành vi ứng xử của con người là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc điểm tâm lý cá nhân và môi trường sống. Một nhân cách được hình thành trong một quá trình lâu dài và cũng dưới sự tác động của môi trường sống xung quanh họ. 

Từ góc nhìn của mình, tác giả Quang Lê trong một bài viết phân tích trên truyền thông đã cho rằng, từ thời điểm đất nước đổi mới, những quan hệ xã hội mới mẻ đa chiều và phức tạp hơn trước rất nhiều đã xuất hiện.

Đương nhiên trong quá trình phát triển, ngoài những yếu tố tích cực, cũng không thể tránh khỏi những yếu tố tiêu cực nhất định, mà trước hết phải kể đến ảnh hưởng xem ra ngày càng lan rộng của lối sống coi trọng giá trị vật chất, ích kỷ.

Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, ở một số khía cạnh, văn hóa giáo dục đã không có những bước chuyển mình đổi mới thích ứng kịp thời, có những thang bậc giá trị truyền thống đã tỏ ra không còn phù hợp với những thay đổi chóng mặt của kinh tế - xã hội. Không còn quá ngạc nhiên khi thời điểm hiện tại những đối tượng “bất hảo” như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng... trở thành thần tượng của một bộ phận giới trẻ.

“Nhưng không phải chỉ giới trẻ, cả những lớp người cao tuổi hơn ở mức độ nào đó cũng mất phương hướng, “chông chênh” khi những giá trị xã hội thay đổi quá nhanh và mỗi người không dễ để trả lời câu hỏi: “Phải thích nghi thế nào?”.

Cùng với đó là một câu hỏi cũng rất khó khăn với không ít người: “Mục đích sống là gì?” Đời sống không mục đích khiến con người dễ bị lệch lạc, bị hất đẩy ra khỏi “quỹ đạo” thường ngày chỉ từ biến động những khó khăn của cuộc sống.

Từ sự lệch lạc đáng buồn đó, những tác động như thất tình, ghen tuông, khó khăn tài chính, tranh chấp tài sản... có thể khiến nhiều cá nhân thường ngày được đánh giá là “hiền lành” trở thành một con người khác” – tác giả Quang Lê nhấn mạnh.

Cần khơi gợi cái đẹp, cái thiện

Ở một góc độ khác, ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VH-TT&DL khi trao đổi với phóng viên đã cho rằng với các vụ án gia đình xảy ra gần đây, nếu tiếp cận từ góc độ bạo lực gia đình thì không thể nói hết bản chất của sự việc. 

“Giải thích nguyên nhân của những vụ việc này không dễ dàng gì. Suy nghĩ đầu tiên của tôi ngay sau khi biết về vụ án này là câu hỏi: Tại sao mạng sống của một con người bây giờ lại trở nên mong manh như thế? Ở đời có câu “hổ dữ còn không ăn thịt con”, làm cha, làm mẹ yêu con đã đành, nhưng ông bà còn yêu cháu hơn cả cha mẹ.

Điều khiến tôi trăn trở là phải chăng đã lâu rồi trong xã hội, một khái niệm nhân sinh, một cách tiếp cận của một chiều cạnh đạo đức dựa trên thuyết nhân quả, thiện ác đã không được chú trọng một cách sâu sắc. Con người ta đã không còn biết sợ và khi không còn biết sợ thì cái ác ắt sẽ thế chỗ cái thiện”.

“Suy nghĩ thứ hai của tôi là ngày nay nhịp sống trở nên gấp gáp, vội vã, giá trị vật chất lên ngôi và chính những tác động này làm người ta không tĩnh tâm được như xưa. Giữa cái xô bồ của cuộc đời, con người khu trú mình lại với sự ích kỷ cá nhân, vì mình, nghĩ đến mình, chỉ biết mình nhiều hơn là từ bi, hỷ xả.

Suy nghĩ và hành động vì mình, vì lợi ích cá nhân của mình đã lấn át khiến người ta không còn biết đâu phải, đâu trái nữa.  Suy nghĩ thứ ba như mọi người đều rõ, đó là sự xuống cấp đến mức không ngờ của đạo đức xã hội. Đây là gốc của mọi vấn đề.

Người xưa rất chú trọng giáo dục lễ nghĩa, đạo đức lối sống thì ngày nay những nội dung này dường như bây giờ rất mờ nhạt trong giáo dục cả ở nhà trường và gia đình” – theo ông Hoa Hữu Vân. 

Quả thực để giải thích nguyên nhân của những vụ án gia đình không dễ dàng. Nhưng qua những vụ án đó cần thấy rằng, tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội. Nhìn xa hơn, nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển bền vững được.

Có ý kiến nhìn nhận, với các vấn đề xã hội, bên cạnh những giải pháp đồng bộ, lâu dài từ phía các cơ quan nhà nước, không thể thiếu sự nỗ lực của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và nhất là của mỗi cá nhân. Đặc biệt là trong việc tự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.

Suy cho cùng, có lẽ cách tốt nhất để đẩy lùi cái xấu, cái ác là tạo điều kiện, khơi gợi những điều tử tế trong đời sống hằng ngày để cái tốt, cái thiện, cái đẹp được nhân lên không ngừng. 

Làm gì để ngăn chặn những vụ việc đau lòng?

Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Công ty Luật Intercode: “Việc có đến 15-17% số vụ giết người do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau là một biểu hiện rất đáng lo ngại. Chế tài pháp luật chỉ là một trong những yếu tố có thể tác động đến sự gia tăng hoặc giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật.

Điều quan trọng là phải xem xét và nhìn nhận khách quan những yếu tố mang tính quyết định tới sự gia tăng hành vi phạm tội trong những năm gần đây. Những tệ nạn như ma túy, cờ bạc, rượu chè... chính là những tác nhân xấu khiến cho con người mất đi những chuẩn mực đạo đức vốn có.

Giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Do đó, cùng với việc nâng cao công tác giáo dục trong mỗi gia đình, cần sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội đối với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn trong sinh hoạt. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ việc đau lòng xảy ra trong gia đình hiện đại”. 

Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VH-TT&DL: “Bấy lâu nay củng cố giá trị gia đình là việc vẫn làm, thế nhưng nếu chẻ chữ “hạnh phúc gia đình” ra thì phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất đó là thiên lương, cái tâm, cái đức trong mỗi con người là thành viên gia đình.

Nói như vậy để thấy với những câu chuyện đau lòng xảy ra không thể đổ lỗi hết cho cơ quan chức năng ở địa phương, mà cái gốc của vấn đề là con người không được giáo dục lễ nghĩa, đạo đức lối sống một cách cụ thể, chi tiết  cộng với sức ép của cuộc sống nên không còn biết sợ, không còn nhân ái để sống với nhau, xa rời chân giá trị làm người.

Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1028 phê duyệt chương trình giáo dục đời sống gia đình  đến năm 2020 với mục tiêu làm cho mỗi thành viên gia đình có đủ năng lực tổ chức cuộc sống, thấy bản thân mình trưởng thành và sống hạnh phúc, cung cấp tới từng hộ gia đình kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử với nhau...

Có rất nhiều điều được gửi gắm trong chương trình này đó là từng thành viên gia đình phải trau dồi thiên lương, cái tâm, cái đức, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của chương trình này trong việc giáo dục đạo đức gia đình”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý, TS.Đinh Đoàn: “Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng càng chống, bạo lực gia đình (BLGĐ) càng lộ diện. Thứ nhất, nhiều chương trình phòng chống BLGĐ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, phổ biến luật, thành lập ban bệ, chưa đi sâu vào những hoạt động cụ thể. Đa số người dân có nghe “loáng thoáng” về phòng chống BLGĐ, nhưng cụ thể là làm gì để ngăn ngừa, đối mặt, đẩy lùi BLGĐ thì họ lại không biết. 

Công tác phòng chống BLGĐ nói riêng, xây dựng gia đình theo tiêu chí “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cá nhân. Cùng một lúc phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như truyền thông, giáo dục, đào tạo, ban hành chính sách, văn bản luật, xử lý nghiêm.

Đặc biệt, phải tạo dựng môi trường xã hội trong lành, mọi người có công ăn việc làm, được giao lưu, học tập thường xuyên. Mọi công tác truyền thông, giáo dục phải đi vào chiều sâu, thực chất, người hưởng lợi cuối cùng phải là người dân, nhất là những người trẻ, sắp bước vào cuộc sống hôn nhân, gia đình.

Bên cạnh việc giáo dục cho nhau trở thành người thành đạt, tài giỏi, thành công, phải dạy nhau điều chỉnh thái độ, bởi trong nhiều trường hợp “thái độ hơn trình độ”. 

X.Hoa (tổng hợp)

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.