Khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt.
Hiện có 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, chương trình xây dựng nông thôn mới, trong tháng 5/2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã (96,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó: 33 xã nông thôn mới nâng cao và 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà); 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Với chương trình giảm nghèo bền vững, Lâm Đồng đang thực hiện hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 18.237 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 5,34%; trong đó: hộ nghèo 6.636 hộ, chiếm tỷ lệ 1,94%; hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số hộ toàn tỉnh.
Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, năm 2022, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 408 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 242 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương trên 166 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tới tháng 1/2023 là trên 330 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch.