Câu chuyện mở rộng biên giới trí tuệ Việt Nam
“Đúng như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói, Việt Nam không thể trở thành quốc gia tiên tiến nếu không làm chủ công nghệ, không sáng tạo công nghệ. Khát vọng làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới đã đi với chúng tôi trong suốt hơn 20 năm qua”, ông Bình nói.
Hơn 20 năm trước, FPT “giong buồm ra khơi” với hai điểm đến là Ấn Độ và Mỹ. Nhưng chuyến đi đó của FPT đã không thuận buồm xuôi gió. FPT phải đóng cửa cả hai văn phòng tại Ấn Độ và Mỹ chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động do không có khách hàng.
“Phải đến 2002, đối tác Nhật Bản đã chấp nhận chúng tôi. Và từ đó chúng tôi liên tục đi lên. Từ nhóm 17 người đầu tiên, hôm nay chúng tôi có 17.600, lập trình viên, kỹ sư công nghệ. Từ không có khách hàng nào trong nhiều năm trời, hiện nay chúng tôi có 700 khách hàng, trong đó có 100 công ty trong danh sách Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới). Từ những việc dễ ban đầu với giá 1.500 USD/tháng/người chúng tôi vươn lên làm các công việc phức tạp hơn và hôm nay công việc phức tạp nhất chúng tôi làm là tư vấn chuyển đổi số với giá 40.000 USD/tháng/người”, ông Bình hào hứng chia sẻ.
Và tại thời điểm này, với sự linh hoạt thích nghi, chủ động sẵn sàng ứng phó theo tinh thần “thời chiến” trước những diễn biến phức tạp và sức ép của đại dịch Covid-19, FPT đã có được những hợp đồng trăm triệu USD. Có thể kể đến hợp đồng quy mô 150 triệu USD với một trong những công ty kinh doanh xe hơi lớn nhất tại Mỹ và FPT đã vượt qua 200 đối thủ để giành được. Hay hợp đồng với hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật Bản với trị giá khoảng 120 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Tương tự, FPT đã vượt qua hơn 20 nhà cung cấp dịch vụ CNTT lớn trên toàn cầu để trở thành một trong 3 đối tác triển khai chính cho các dự án công nghệ của Tập đoàn dầu khí lớn tại Malaysia.
Ông Trương Gia Bình: "Việt Nam đã có tên trên bản đồ số thế giới". |
“Lực lượng công nghệ thông tin (CNTT) của chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì vào lúc này. Lực lượng CNTT của chúng ta có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của đất nước và làm chuyển đổi số cho thế giới. Có thể nói, tại Nhật Bản, CNTT Việt Nam đang là đối tác hàng đầu và tại Mỹ chúng ta chỉ đứng sau Ấn độ. Chúng ta đã ước mơ Việt Nam có tên trên bản đồ số thế giới và ước mơ đó đã thành sự thật: Chúng ta đã có tên trên bản đồ số thế giới”, ông Bình nói.
Câu chuyện phần mềm “Make in Viet Nam” đẳng cấp thế giới
Trong quá khứ, FPT đã góp phần đưa trí tuệ Việt Nam vươn tầm thế giới, còn tại thời điểm này, thời điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Bình, có những thách thức lớn hơn so với giai đoạn trước nhưng đây cũng là cơ hội để các nền tảng, giải pháp, sản phẩm công nghệ của Việt Nam khẳng định đẳng cấp.
“Khi cả thế giới như vũ bão đang tiến vào cách mạng 4.0, có thể nói đây là cơ hội duy nhất để chúng ta bắt đầu cùng điểm xuất phát với các quốc gia hàng đầu thế giới. Để làm ra một sản phẩm phần mềm tốt ở VN và có chân trên thế giới là một thách thức vô cùng lớn. Chuyển đổi số Việt Nam có rất nhiều cơ hội để xây dựng các sản phẩm như vậy. Và 3 năm qua chúng tôi đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số đó là phát triển các con robot phần mềm tự động hóa các quy trình”, ông Bình nói.
Các robot phần mềm tự động hóa quy trình mà ông Bình nhắc tới chính là akaBot - giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp vừa giành được giải thưởng ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam xuất sắc nhất. Đây cũng là giải pháp đầu tiên của Việt Nam được Gartner đưa vào danh sách các sản phẩm công nghệ uy tín của thế giới (Gartner Peer Insights).
Ông Trương Gia Bình cho biết, 3 năm qua, FPT đã đi vào những lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số tạo ra các robot phần mềm tự động hóa quy trình nghiệp vụ. |
akaBot hiện có thể giải quyết khoảng 250 quy trình công đoạn hay vị trí công việc khác nhau, chuyển đổi hàng vạn con người trong các doanh nghiệp sang các công việc có giá trị hơn. Đây chỉ là một trong những nền tảng, giải pháp trong hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số của FPT góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số hướng đến mô hình quốc gia số trong tương lai.
Câu chuyện phát triển các nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Theo ông Bình, nói kinh tế số là kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, vì thế ngay lúc này Việt Nam phải đưa ra các nền tảng để lôi kéo cả cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển những dịch vụ phục vụ cho người dân, chính quyền. “Trong bối cảnh như vậy, chiến lược của FPT là chúng tôi muốn làm một số nền tảng và cùng mọi người sẽ cùng ứng dụng và phát triển các dịch vụ trên nền tảng đó”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Trương Gia Bình, ngay lúc này Việt Nam phải đưa ra các nền tảng số góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. |
Nền tảng ông Bình nói đến chính là FPT.AI. Một nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ Trí tuệ nhân tạo - mà theo như cách nói của ông Bình có thể giúp doanh nghiệp hiểu, nghe được khách hàng đang nói gì và nói được ý nghĩ của nó thông qua các ứng dụng như Chatbot, Trợ lý ảo tổng đài, Chuyển đổi văn bản thành giọng nói… FPT.AI đang có 70 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, hành chính công sử dụng và 11.000.000 người dùng cuối được hưởng lợi từ các dịch vụ/năm.
Và trong năm nay, FPT sẽ đưa ra platform cho giáo dục với nhiều ý tưởng sáng tạo mới, đồng thời phát triển các nền tảng khác trong lĩnh vực như y tế, giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đi tắt đón đầu tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới. Những doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT… đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tạo dựng một cộng đồng công nghệ cùng hợp lực để tạo ra những nền tảng, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số vì một dân tộc phồn vinh, vì một Việt Nam hùng cường.