Ngân hàng Nhà nước chiều 25/5 quyết định đưa trần lãi suất huy động - cho vay lần lượt về còn 11 và 14% một năm, đồng thời hạ một loạt lãi suất điều hành.
Với mức trần lãi suất huy động tiền đồng là 11% (với kỳ hạn 1 tháng trở lên), từ ngày 28/5, lãi suất cho vay cao nhất các ngân hàng được phép áp dụng với 4 lĩnh vực ưu tiên là 14% một năm- bằng mức trần huy động trong năm 2011.
Trần lãi suất huy động VND với các kỳ hạn tuần, ngày là 3%.
Các loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng đồng loạt giảm 1%. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn từ 13% còn 12% một năm, tái chiết khấu từ 11% về 10%, thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% còn 13%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ sở để giảm lãi suất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng CPI tháng 5 là 0,18%, 5 tháng đầu năm là 2,7%- phù hợp với mục tiêu đề ra của Chính phủ. Thêm vào đó, tình hình thanh khoản tại các ngân hàng đang dư thừa.
Trần cho vay với 4 lĩnh vực chính thức còn 14% một năm, bằng với trần huy động từ tháng 2/2012 trở về trước. |
Cơ quan này cũng nhận định, trần lãi suất huy động 12% một năm hiện nay vẫn cao hơn khoảng 4% so với lạm phát (lạm phát tháng 5 so với cùng kỳ 2011 tăng 8,34%, kỳ vọng lạm phát 2012 là 8%). Với đầu vào như vậy, lãi suất đầu ra dù có giảm nhưng giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.
Mặc dù liên tục giảm trần lãi suất huy động, cho vay cũng như các loại lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước tới nay vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản. Thực tế lãi suất cơ bản hiện nay không còn nhiều ý nghĩa với thị trường ngân hàng, nhưng nó vẫn là cơ sở để ngăn nạn cho vay nặng lãi.
Từ đầu năm, lãi suất được điều chỉnh tổng cộng 3 lần. Lần đầu tiên vào ngày 13/3, mức điều chỉnh từ 14% về 13%. Tiếp đó, đến ngày 11/4, lãi suất huy động cũng giảm thêm 1%, về 12% một năm. Đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố áp trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 15% một năm.
Theo VnExpress