Lai Châu: “Trái ngọt” trên những bản vùng cao, biên giới

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Lai Châu ngày càng khấm khá.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Lai Châu ngày càng khấm khá.
(PLVN) - Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong những năm qua đã giúp người dân dần thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, niềm tin của bà con nhân dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên.

Bản vùng cao chuyển mình mạnh mẽ

Bản Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, đây đang là nơi sinh sống của 62 hộ dân với 308 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Dao.

Trước kia, tuy được thiên nhiên ưu đãi cho khung cảnh núi rừng bao la, hùng vĩ và khí hậu trong lành, mát mẻ nhưng do đường sá đi lại không thuận tiện, sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Song, trong những năm gần đây, Sì Thâu Chải đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dần nổi lên như một bản làng đặc trưng về du lịch cộng đồng, du lịch khám phá tại Lai Châu, thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm.

Năm 2015, huyện Tam Đường đã đầu tư, mở rộng, nâng cấp và rải nhựa con đường mòn cũ lên Sì Thâu Chải để việc đi lại được dễ dàng hơn.

Bà Tẩn Thị Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, năm 2016, địa phương bắt đầu phát triển hình thức du lịch cộng đồng.

Bước đầu, chính quyền xã đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân 15 triệu đồng để làm nhà homestay. UBND huyện Tam Đường cũng hỗ trợ cho 5 hộ làm homestay, mỗi hộ 50 triệu đồng.

Trước khi có dịch COVID-19, trung bình hàng năm, bản Sì Thâu Chải đón trên 11.000 lượt khách, trong đó có khoảng 700 khách nghỉ lại qua đêm tại các gia đình làm homestay.

Khi hình thức du lịch cộng đồng đã phát triển ở Sì Thâu Chải, từ năm 2017, địa phương tiếp tục hỗ trợ bà con nguồn giống, phân bón để trồng các loại cây ăn quả ôn đới như đào, lê, mận để phục vụ khách du lịch, từ đó tăng thêm nguồn thu cho người dân địa phương.

Hiện, Sì Thâu Chải có khoảng 5ha trồng đào, 5ha trồng lê. Sản phẩm trồng ra đều được tiêu thụ hết, thậm chí không đủ cung nhờ vào các kênh giao dịch online và thông qua du khách. Nhờ đó, đời sống của bà con đã cải thiện đáng kể.

“Đặc biệt, trước đây, đường sá khó khăn nên trẻ em ở bản thường không học hết cấp 3. Tuy nhiên, kể từ khi có con đường đi lên xã, các cháu đi học đều hơn, trình độ dân trí của bà con ngày càng được nâng cao hơn”, bà Tẩn Thị Nhẫn cho hay.

Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lượng khách đến với bản đã tăng đều trở lại. Chính quyền xã Hồ Thầu cũng đã khởi động trở lại việc phát triển du lịch cộng đồng.

Cấp ủy, chính quyền cùng với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang lại nhà cửa, cải tạo lại môi trường xung quanh, kích hoạt lại cơ sở vật chất để sẵn sàng đón khách trở lại.

Cùng với đó, xã cũng đã phân công cho cán bộ tại bản điều phối các gia đình làm homestay mua thực phẩm của các gia đình không làm homestay để đảm bảo người dân có thu nhập đều.

Theo nghị quyết của tỉnh Lai Châu, trong thời gian tới, xã Hồ Thầu tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng, giữ những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao.

Những sự hỗ trợ thiết thực

Còn ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, anh Giàng A Dụ không khỏi xúc động khi kể về những đổi thay trong cuộc sống của gia đình sau khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế.

“Chúng tôi được hỗ trợ cây giống, con giống và 50% chi phí mua các loại máy móc để phục vụ lao động sản xuất. Như cái máy cày kia có giá 10 triệu, tôi được hỗ trợ 5 triệu; còn máy tuốt 12 triệu cũng chỉ phải bỏ ra 6 triệu để mua”, anh Dụ cho biết.

Hiện, gia đình anh Giàng A Dụ đang có hơn 300 gốc xoài cùng một số loại cây ăn quả khác. Bên cạnh đó, mỗi năm, gia đình anh thu hoạch hơn 2 tấn ngô, vừa để bán, vừa để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.

Ngoài ra, anh còn kết hợp buôn bán nhỏ để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng khấm khá, thu nhập mỗi năm đạt khoảng 90-100 triệu.

“Nếu không có những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của chúng tôi sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Như tôi còn phải nuôi bố mẹ già và một người em gái không có khả năng lao động. Sự hỗ trợ đó đã tạo động lực, nền móng cho tôi có hướng phát triển, vươn lên để có cuộc sống ấm no”, anh Dụ khẳng định.

Theo bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu. Huyện có 17 xã và thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc; dân số gần 8,3 vạn; là vùng đất sinh sống của 9 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 92%.

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.

Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế của địa phương như phát triển nông nghiệp và các mô hình du lịch.

Nhờ đó, kinh tế - xã hội Phong Thổ ngày càng phát triển. Đến nay, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện cũng có 2 bản du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới là Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) và bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo (xã Mường So) đang phát huy rất hiệu quả, vừa phát triển du lịch vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

“Với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả như vậy, bình quân, kết quả giảm nghèo của huyện đạt 4-5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách tăng đều qua các năm”, bà Mai Thị Hồng Sim cho biết.

Tăng cường niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước

Theo UBND tỉnh Lai Châu, thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã trải rộng và được thực hiện toàn diện trên các mặt đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là bao phủ các phương diện của quyền người DTTS.

Lai Châu đã tập trung tạo các điều kiện bảo đảm quyền lao động và có việc làm cho người DTTS thông qua Chương trình, đề án, dự án như Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn giao giai đoạn 2016-2019 là hơn 460 tỷ đồng; thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt (Chương trình 134); chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg…

Về bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu, tỉnh tích cực nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; chuyển giao, dụng ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm; phê duyệt các quy hoạch về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thủy lợi; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, như vùng dược liệu, chè, macca…

Việc bảo đảm quyền bầu cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua các kỳ bầu cử được làm rất tốt, bảo đảm toàn diện các khía cạnh của quyền như quyền bầu cử, ứng cử, tiếp cận thông tin...

Bảo đảm quyền hưởng giáo dục, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, tạo các cơ sở vật chất, trường lớp học ở vùng DTTS và triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh là người DTTS.

Quyền về sức khỏe được tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều chế độ ưu đãi và chính sách hỗ trợ bằng bảo hiểm y tế dân tộc, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em người DTTS...

Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý; quyền bảo tồn văn hóa, bản sắc của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ông Kiều Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè khẳng định, việc triển khai đồng bộ các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về đồng bào DTTS tại địa phương đã đem lại những hiệu quả khá tích cực, thể hiện rõ rệt nhất là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn đã giảm nhanh.

Năm 2016, theo chuẩn nghèo cũ, huyện có trên 56% tỷ lệ nghèo đến cuối 2020, tỷ lệ nghèo của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 24,19%.

Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện vào năm 2016 đạt khoảng 16 triệu đồng, đến cuối 2020 đã được nâng lên, đạt khoảng 24 triệu đồng.

“Qua hệ thống các chế độ chính sách được triển khai trên địa bàn huyện Mường Tè, niềm tin của bà con nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên, tinh thần đoàn kết của bà con các dân tộc cũng được duy trì và nâng cao. Giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các dân tộc ngày càng phát triển, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân”, ông Kiều Hải Nam nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.