Trái với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như văn bản của Chủ tịch tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo trước đó, UBND tỉnh Lai Châu “bất ngờ” quyết định cấp phép mới khai thác vàng cho một DN đóng trên địa bàn. Thế là, cả một tỉnh lộ bị đào khoét để tìm vàng, để lại những hậu quả không dễ gì giải quyết ngay được.
Phá tỉnh lộ tìm vàng
Trong quá trình thi công dự án giao thông tránh ngập thuộc dự án Thủy điện Lai Châu, phát hiện điểm mỏ quặng thạch anh chứa vàng, đơn vị thi công “nhân tiện” xin luôn giấy phép nhằm tận thu khối quặng này, bất chấp sự phản đối của một số người dân dân tộc Hà Nhì tại bản Nặm Thú, xã Kan Hồ huyện Mường Tè (Lai Châu) vì ảnh hưởng đến đất sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.
Đội quân và lán trại khai thác vàng của DN Long Khánh |
Tại hiện trường, đúng như người dân phản ánh, đơn vị thi công công trình cũng là “chủ mưu” đào đường tìm vàng đã lập cả hệ thống lán trại cùng hàng chục lao động đào một hệ thống đường hầm thẳng từ chân đường Tỉnh lộ ăn sâu vào trong khoảng 40m, không hề có công cụ chống đỡ, đảm bảo an toàn lao động và nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Ông Lý Anh Hừ - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè - cho biết: “Về nguyên tắc làm gì thì làm nhưng tuyệt đối không được đụng chạm tới thiết kế của con đường. Việc Cty CP Khoáng sản Long Khánh khoét taluy đường Tỉnh lộ 127 khai thác vàng, chính tôi cũng chỉ nghe nói mà không thấy họ báo cáo. Sau khi có thông tin phản ánh, chúng tôi đã cho đình chỉ mọi hoạt động của đơn vị này cho đến khi có chỉ đạo mới; phối hợp cùng Sở TN&MT kiểm tra, có báo cáo trình UBND tỉnh xem xét.”
Quyết định chóng vánh?
Theo ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu - kể từ năm 2010 đến nay, tỉnh này chưa hề cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kì đơn vị nào. Tuy nhiên, chỉ sau đúng 1 ngày nhận được tờ trình của Sở TN&MT tỉnh, ông Nguyễn Chương đã đặt bút ký ngay vào văn bản chấp thuận. Mặc dù trong hồ sơ có nêu rõ, khu vực xin khai thác nằm ngay sát công trình đường tránh ngập Tỉnh lộ 127 thuộc dự án thủy điện Lai Châu khu vực Kan Hồ, Mường Tè.
Quyết định chóng vánh này khiến dư luận đặt dấu hỏi bởi đã đi ngược lại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, nêu rõ:
“Quặng vàng, đồng: Không xuất khẩu quặng đồng, không cấp phép mới khai thác vàng sa khoáng. Thăm dò, khai thác đối với mỏ vàng gốc theo hướng gắn với chế biến sâu, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Địa phương có trách nhiệm bảo vệ các mỏ vàng, đồng chưa khai thác. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường thì phải có phương án kiên quyết đóng cửa mỏ.”
Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Chương |
Thậm chí, văn bản này còn đi ngược lại ngay cả "người anh em" của nó là Quyết định 1314/UBND-CN ngày 18/10/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử về việc tạm dừng cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh: “Không xem xét cấp phép mới, gia hạn giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh kể từ ngày 30/8/2011 đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Xem xét lại toàn bộ thủ tục cấp phép
Được biết, ngày 26/6/2013, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 769/UBND-TN yêu cầu Cty Long Khánh, Sở TN&MT, UBND huyện Mường Tè báo cáo làm rõ các nội dung của vấn đề này; giao các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh thực địa và đề xuất phương án xử lý các sai phạm trước ngày 5/7/2013…
Về phần mình, ông Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu- cho biết: Tỉnh Lai Châu đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Vũ Văn Lương - Giám đốc Sở TN&MT làm trưởng đoàn khẩn trương kiểm tra và có báo cáo sự việc. Quan điểm của tỉnh Lai Châu là sẽ kiên quyết xử lí sai phạm theo đúng quy định pháp luật; ở mức độ đình chỉ sẽ đình chỉ, nếu cần thu hồi giấy phép sẽ thu hồi.
Theo ông Chương, “đây là lần duy nhất và đầu tiên tôi ký QĐ cấp phép khai thác khoáng sản cho 1 đơn vị trong vòng nhiều năm nay. Việc UBND tỉnh Lai Châu cho phép thu hồi khoáng sản trong phạm vi xây dựng công trình giao thông khu vực Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã tuân thủ theo đúng trình tự quy định của pháp luật.”
Ông Chương cho hay, trước khi cấp phép cho Cty Long Khánh thu hồi khoáng sản, UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản về việc phát hiện điểm quặng vàng trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tỉnh lộ 127. Ngày 1/3/2013, Bộ TN&MT đã có Công văn 695/BTNMT-ĐCKS cho phép UBND tỉnh Lai Châu lựa chọn DN để quản lí, thu hồi khoáng sản trong khu vực trên.
Nói về lí do cấp phép cho đơn vị Long Khánh, ông Vũ Văn Lương cho rằng: Lí do cấp phép cho DN Long Khánh là có quan hệ với đơn vị thi công (là đơn vị thi công luôn tuyến đường Tỉnh lộ 127 này) và cũng chỉ có đơn vị này xin cấp phép. Lí giải về việc làm trái với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Lai Châu, ông Lương cho biết: “Nói gì cũng có căn nguyên của nó, việc thu hồi khoáng sản trong dự án công trình, để lãng phí là không được.”
Tuy nhiên, Nguyễn Khắc Chử- Chủ tịch tỉnh Lai Châu - cho biết: Trong quy trình cấp phép cho Cty CP Khoáng sản Long Khánh, lỗi đầu tiên là do tỉnh có văn bản trình lên, sau đó một phần ở Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác. Trả lời về việc văn bản ban hành nhưng không được báo cáo qua Thường vụ Tỉnh ủy và chính Chủ tịch tỉnh cũng không hay, ông Chử cho rằng:
“Do sự phân công công việc, mỗi người phụ trách một lĩnh vực nên cũng khó kiểm soát hết. Hiện, tôi đang chỉ đạo thu thập hồ sơ, xem xét lại toàn bộ thủ tục cấp phép cho DN cũng như sẽ thu hồi nếu xét thấy quá trình thực hiện không đúng các quy định pháp luật.”
Rõ ràng, câu chuyện tận thu khoáng sản vàng ở Lai Châu không hề đơn giản. Sự việc đúng sai thế nào, trách nhiệm của những người trong cuộc ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc./.
Thảo Nguyên