Khi cơ quan chức năng phát hiện vụ trộm cước viễn thông quốc tế, đối tượng đang sử dụng hàng ngàn SIM điện thoại, trong đó có những SIM trả sau được đăng ký thông tin thuê bao rõ ràng, hợp pháp. Vụ việc cho thấy, pháp luật đã không dự liệu hết những trường hợp mà trong đó, ranh giới trách nhiệm của pháp nhân và thể nhân không khác nhau là bao.
Ảnh minh họa |
Dùng 500 SIM điện thoại Viettel để trộm cước
Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố thông tin về việc đơn vị này phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an phá vụ trộm cước viễn thông quốc tế chiều về Việt Nam trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, từ 5h đến 15h ngày 12/1/2013, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp với Bộ Công an xem xét, phát hiện 2 đối tượng là Nong Weijie và Su Yong Ri, quốc tịch Trung Quốc, đã thiết lập 2 cầu để thực hiện hành vi trộm cắp cước viễn thông quốc tế. Hai địa điểm lắp đặt hệ thống thiết bị trộm cắp cước viễn thông quốc tế là Phòng 310 nhà N6B khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và nhà số 19 ngõ 98/1 Vũ Trọng Phụng.
Các đối tượng thuê đường truyền Internet cáp quang có tốc độ truyền rất cao (FTTH - tốc độ 10 gigabit/giây) của Cty Viễn thông FPT và Viễn thông Hà Nội. Sau đó, sử dụng SIM của mạng di động để kết nối vào các mạng viễn thông của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đối tượng sử dụng công nghệ mới để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng thu giữ tại hiện trường nhiều thiết bị kỹ thuật phục vụ việc truy nhập mạng di động và lượng hơn SIM điện thoại.
Hành vi của Nong Weijie và Su Yong Ri đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” quy định tài Điều 138 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đây chỉ là 2 đối tượng đồng phạm, những đối tượng chủ mưu cầm đầu là người Trung Quốc hiện không có mặt tại Việt Nam.
Tại hiện trường, các cơ quan chức năng đã thu được 6.700 SIM điện thoại di động trả trước của Viettel. Các đối tượng đã lập thành 18 bộ tập trung SIM di động, mỗi bộ truy cập được 8 SIM, tổng cộng một lúc 96 SIM điện thoại di động có thể kết nối vào mạng di động của Việt Nam để chuyển lưu lượng trái phép về Việt Nam, hoạt động liên tục 24/24.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Công an tiếp tục truy được hơn 500 SIM điện thoại di động trả sau của Viettel được các đối tượng dùng cho việc trộm cắp cước viễn thông. Qua điều tra, những SIM này được đăng ký bởi Cty TNHH Thương mại và dịch vụ viễn thông Văn Long, và Nguyễn Văn Long - Giám đốc Cty này - đã cho Nong Weijie và Su Yong Ri thuê số SIM trên.
Luật bị “lách”?
Ngoài lượng lớn SIM điện thoại trả trước bị phát hiện, các cơ quan chức năng đã thu giữ được hơn 500 SIM điện thoại trả sau. Theo thông tin được cung cấp từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, số SIM này được cấp phát trên cơ sở Hợp đồng Cung cấp và Sử dụng dịch vụ viễn thông được ký kết ngày 08/08/2012 giữa Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viễn thông Văn Long do Nguyễn Văn Long là Giám đốc.
Đại diện Viettel khẳng định, Viettel đã làm đúng quy định pháp luật khi cung ứng lượng SIM trả sau lớn như trên cho một tổ chức.
Trong khi pháp luật quy định “mỗi một cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa ba (03) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động.
Trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa một trăm (100) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động” (Điều 9, Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) để tránh tình trạng SIM ảo, lãng phí tài nguyên số đồng thời thuận lợi cho việc quản lý, thì đến thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý chưa có văn bản nào quy định về việc giới hạn số lượng SIM thuê bao di động trả sau được phép cấp phát cho mỗi cá nhân, tổ chức.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành – chuyên gia viễn thông - thì trong thời điểm việc thành lập DN dễ dàng như hiện nay, trách nhiệm của pháp nhân không khác nhiều trách nhiệm của cá nhân khi quyền định đoạt về doanh nghiệp chỉ nằm trong tay 1 người hay nhóm người, việc lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi hoàn toàn có thể xảy ra.
“Bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý cần phải có biện pháp kịp thời phát hiện những hành vi trục lợi chính sách. Cụ thể, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng phải đặt nghi vấn về mục đích sử dụng lượng SIM lớn, lưu lượng kết nối… để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Thành nói.
Trong một hội nghị giao ban chuyên ngành vừa diễn ra cách đây vài ngày, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục Viễn thông tiếp tục xây dựng những văn bản cụ thể, chẳng hạn về quản lý thông tin thuê bao (sử dụng SIM trả trước), giám sát lưu lượng sử dụng…, để chống hiện tượng kinh doanh lậu kể trên.
Bách Nguyễn