Băn khoăn thứ nhất, đây là quãng thời gian công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt; là thời điểm cả nước hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lựa chọn ra những đại biểu ưu tú giữ các cương vị chủ chốt; báo chí đứng ở đâu trong cuộc đấu tranh này? Thứ hai, cả nước vừa đồng lòng vượt qua đại dịch Covid-19, khó khăn còn bộn bề, sức ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng lớn; báo chí phải làm gì?
***
Vai trò của báo chí không chỉ là tuyên dương, cổ vũ nhân rộng những điển hình ưu tú; mà còn là đấu tranh chống sai phạm; góp ý chấn chỉnh sửa đổi những khuyết điểm trong các tổ chức, cá nhân, cơ quan, trong xã hội.
Nhưng sự đời thường “xấu che, tốt khoe”, ở thời điểm bị một số cá nhân cho là “nhạy cảm” này, có những bài viết góp ý tích cực lại bị quy chụp “đánh có chủ ý”. Có những sai phạm được che giấu tinh vi, phải dày công điều tra tìm hiểu phản ánh nhiều góc cạnh một thời gian mới phân biệt rõ đâu là chính – tà, đâu là sự thật; thế nhưng bên bị phản ánh lại cho rằng báo “có động cơ mục đích”, “bất nhất”…
Không ít tờ báo vì vậy mà bị đơn thư khiếu nại, gây nhiễu. Không ít nhà báo, phóng viên nguy cơ có tâm lý chùng xuống, e dè.
Nỗi e ngại này đã được “cởi trói” trong Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu mới đây; khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lần nữa khẳng định khuyến khích, ủng hộ đồng hành cùng báo chí.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh tại Hội nghị: “Từ sau Đại hội Đảng XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Nhiều cơ quan báo chí, phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân”.
Thường trực Ban Bí thư khẳng định: “Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của báo chí với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn hệ thống chính trị và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Quan điểm trên cũng được khẳng định trong bức thư chúc mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Hội nghị và người làm báo cả nước: “Các nhà báo luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp”.
Thủ tướng khuyến khích: “Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà” (…) Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”.
***
Vấn đề những giá trị cốt lõi của báo chí, một lần nữa được Thủ tướng gợi mở, tái khẳng định tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đánh giá vai trò của truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại bất cứ sự kiện nào. Lúc khó khăn mới hiểu lòng người, sự xông pha, đồng thanh hiệp lực của báo chí có ý nghĩa lớn. “Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Mở rộng vấn đề, Thủ tướng gợi mở, để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch.
Truyền thông, thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất…
***
Có thể nói, không chỉ giải tỏa những e ngại, những quan điểm của Đảng và Nhà nước được nhấn mạnh như trên, còn tiếp sức cho các nhà báo, phóng viên, cho các tờ báo trên mặt trận đấu tranh chống sai phạm; là những gợi mở để các tờ báo định vị lại mình, có những đường hướng phát triển cụ thể, sáng tạo…
Những chỉ đạo gợi mở trên, càng đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc với Pháp luật Việt Nam, giúp Pháp luật Việt Nam càng tự tin hơn với những giá trị cốt lõi mà tờ báo đã luôn xác định, hướng tới: Là cơ quan ngôn luận sắc bén của Bộ Tư pháp; là địa chỉ chuyển tải cung cấp các thông tin chính thống chủ lưu, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp – pháp luật đến bạn đọc; là tờ báo chuyên ngành pháp luật đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, sai phạm, lãng phí; cũng là cơ quan truyền thông luôn đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…