Kỳ án xe cứu thương chở người sắp chết đến phòng công chứng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Vụ án “Tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa xét xử, như một lời nhắc nhở mọi người về sự cẩn trọng đối với mọi quyết định về tài sản.  

Xe cứu thương hú còi về phía… phòng công chứng

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn (3 người con gái) trình bày: Căn nhà có diện tích 263m2 gắn liền với thửa đất diện tích 580m2, tọa lạc ở ngoại ô TP, là tài sản của bố mẹ họ, đã được UBND TP Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (GCN) vào cuối năm 2012. 

Trước đó, vào cuối năm 2011, bố của nguyên đơn được chẩn đoán bị bệnh xơ gan. Nhà đất nêu trên vừa có GCN, thì hai ngày sau, người con trai trong gia đình đã thuê xe cấp cứu cùng bố, mẹ và người làm chứng đến phòng công chứng ký hợp đồng tặng cho con trai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Một tháng sau, người cha qua đời.

Nguyên đơn cho rằng, thời điểm thực hiện hợp đồng tặng cho, người mẹ không đọc được các văn bản và không biết mình đã ký các loại giấy tờ gì. Trong khi đó, người bố bị bệnh nặng, gần như mất khả năng nhận thức. Do đó, theo ba người con gái, hợp đồng tặng cho này là trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. 

Họ yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bố, mẹ và con trai với thửa đất nêu trên là vô hiệu. Người cha đã qua đời, nên nguyên đơn yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo hướng xác lập quyền thừa kế của nguyên đơn với phần di sản do người bố để lại.

Bị đơn trong vụ án, là vợ của người đàn ông được cha mẹ tặng cho tài sản. Năm 2018, chồng chị bị bệnh và đã qua đời. Bị đơn trình bày, cha mẹ chồng chị có 4 người con (gồm 3 gái, 1 trai) và 2 người con nuôi. Trong đó, 1 người con trai nuôi đã mất khi chưa có vợ con. Những người còn lại khi lập gia đình đã được bố, mẹ chồng cho nhà và vốn làm ăn.

Bị đơn và chồng kết hôn với nhau năm 2003. Hai vợ chồng ở chung với bố mẹ chồng. Năm 2012, bố mẹ chồng bàn bạc cho vợ chồng chị nhà, đất mà họ đang ở. Khi lập thủ tục tặng cho nhà đất ở phòng công chứng xong, bố chồng nói với chị rằng, đã làm xong thủ tục cho chồng chị nhà, đất nói trên. Không ai có ý kiến gì. 

Thế nhưng, sau khi chồng chị mất vào năm 2018, thì mới có tranh chấp xảy ra. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn (là các chị chồng), vì bố mẹ chồng chị đã lập hợp đồng tặng cho tự nguyện, và đã chuyển tên sang cho chồng chị.

Vì sao bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn?

Trong vụ án này, người mẹ được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. 

Người mẹ trình bày: Nhà đất nêu trên là tài sản của vợ chồng bà. Cuối năm 2012, khi bà và chồng đang ở bệnh viện, con trai ông bà cùng với người cháu, gọi bà bằng cô ruột (người làm chứng) thuê xe cấp cứu chở vợ chồng bà, nói là đi ký để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc này chồng bà bệnh nặng, bà và chồng không biết là ký vào các loại giấy tờ gì và ở đâu. Nay bà đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị tòa tuyên bố hợp đồng tặng cho nhà đất nêu trên là vô hiệu.

Một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án (là vợ người con trai nuôi của đôi vợ chồng già trên) thống nhất như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chị cho biết, sau khi ký ở phòng công chứng về thì bố nuôi của chồng chị (chồng chị hiện tại cũng đã qua đời) đã tâm sự với chị rất nhiều và khóc. Tuy nhiên, nội dung tâm sự vì đã hứa với  bố nuôi của chồng là sẽ giữ kín, nên chị “không thể nói ra được”.

Theo lời người cháu (là người làm chứng), sau khi ký công chứng hợp đồng tặng cho nhà đất, người bố trong gia đình này cũng đã tâm sự với anh là việc chuyển tên qua con trai đẻ vì sau này sợ con trai nuôi tranh chấp, chứ không có ý gì khác.

Người của phòng công chứng được tòa triệu tập. Tại phiên tòa, đại diện phía phòng công chứng khẳng định, hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên đã được tiến hành đúng quy định pháp luật, nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Từ những lời khai của các đương sự, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định: Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nêu trên là đúng với quy định của pháp luật, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Do đó tòa tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. 

Có thể, vì để tránh sự tranh chấp của người con trai nuôi (thời điểm đó vẫn còn sống) mà ông bố bà mẹ trong vụ án này đã thực hiện thủ tục tặng cho để con trai để đứng tên toàn bộ nhà đất. Tuy nhiên, họ lại “quên” không nghĩ đến trường hợp quyền lợi của bản thân và những người con khác trong gia đình bị ảnh hưởng, nếu có biến động bất ngờ. Đây là lời nhắc nhở cho mọi người, cần phải cẩn trọng trong mọi quyết định về tài sản. 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.