Kỳ án bắt người cả thôn đi gặt lúa trái mùa để tìm kẻ sát nhân

Một phạm nhân bị giải đi đày thời xưa (Hình minh họa)
Một phạm nhân bị giải đi đày thời xưa (Hình minh họa)
(PLVN) - Đề cập đến các phán quan có trí tuệ sáng suốt, biết nhận định đúng sai ở Trung Hoa xưa, sau thời kỳ Bao Công nổi danh, phải nói đến một nhân vật cao siêu không kém, đó là Tống Từ (1186 - 1249) . 

Ông cũng giống như Bao Công, suốt đời giữ chức vụ chuyên về các vụ án, tập trung trí tuệ giải đáp được khá nhiều vụ án tưởng chừng như không có đầu mối; nhưng khác Bao Công ở chỗ đã đưa ra ý tưởng mới là dùng “Pháp y học” để bổ sung cho các lời khai còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ. 

Tống Từ sinh ra trong một gia đình quyền quý, phụ thân làm quan lớn nên cuộc sống rất đầy đủ, được rèn tập kinh sách ngay từ khi còn nhỏ. Thế nhưng ông đã bộc lộ bản tính thông minh hiếu học, đặc biệt rất thích theo dõi các vụ án lớn.

Khi lớn lên, Tống Từ thường hay bàn luận với bằng hữu về những cách thức điều tra vụ án sao cho hoàn hảo, đừng để người hiền lương bị mắc hàm oan. Tống Từ cũng có một thời gian theo học một danh sĩ, có rất nhiều cơ hội giao tiếp với các bậc học giả khác, kiến thức trở nên uyên bác hơn người.

Vào năm 20 tuổi, Tống Từ nhờ là con cháu quan lại nên được vào trường Thái học, nơi đây có đủ điều kiện và sách vở nên chuyên tâm vào việc học tập, không bao lâu sau đã nổi tiếng là người có kiến thức rộng rãi, không những vậy Tống Từ còn được rất nhiều người yêu thích nhờ vào tài văn chương ưu mỹ.

Riêng văn chương của Tống Từ không những ý tứ rõ ràng, bút pháp khoáng đạt mà còn biểu lộ một phong cách hào phóng khác người. Với sự chuyên tâm học tập như thế, vào năm 1217, Tống Từ dễ dàng thi đậu Tiến sĩ, được điều đi giữ chức Tri huyện Trường Định, bắt đầu bước vào quan trường.

Tống Từ không thuộc vào hàng các quan hủ bại, ông làm việc rất thanh liêm công đạo, tiếng tốt lan truyền khiến triều đình cũng phải biết tới và cất nhắc trọng dụng.  

Trong cuộc đời làm quan, lâu nhất là lúc Tống Từ giữ chức quan ở Ty pháp hình ngục. Chính trong thời gian này ông đã viết bài “Minh” (là một thể văn khuyên răn) tên là “Tuyết oan cấm bạo” (Rửa nỗi oan ức, ngăn trừ việc bạo ngược) dán ở chỗ ngồi, lấy đó làm gương để xử lý án ngục cho cẩn thận, không dám sơ suất và cố tránh sai lầm để đừng bao giờ xảy ra việc người tốt bị xử oan. Muốn được như thế, bất cứ vụ án nào Tống Từ cũng xem xét án văn kỹ lưỡng, tìm mọi phương cách để phân biệt được đúng sai.

***

Trong cuộc đời phụ trách về hình án của Tống Từ, ông trải qua khá nhiều vụ án ly kỳ thú vị, có những vụ tưởng như rất nhỏ như tranh chấp gia tài, ẩu đả vì một số tiền nhỏ hay tranh giành đứa con thừa tự... cho đến những vụ án lớn giết người phi tang, ông đều chú tâm tìm chứng cứ và giải quyết thỏa đáng, không để bất cứ oan sai nào xảy ra.

Một lần khi còn là Tri huyện Trường Định, một người đàn bà họ Cao đến trình báo chồng mình bị giết chết, vứt xác ra ngoài đồng. Tống Từ lập tức tới hiện trường khám nghiệm tử thi, ông khám phá ra rằng người đó bị chết bởi một vật rất sắc và hình dạng kỳ dị bởi vết thương sâu ở hai bên mà hơi nông ở chính giữa.

Nếu như một hung khí thẳng lưỡi dao hay lưỡi kiếm thì vết thương phải nông sâu bằng nhau. Tống Từ lại thấy trong người nạn nhân không hề mất một đồng xu nào thì nhận định đây không phải là ăn cướp giết người, nguyên nhân chắc chắn do thù oán. Tống Tri huyện liền gọi người đàn bà đưa đơn đến công đường thẩm vấn, hỏi:

– Chồng của ngươi có xích mích hay thù oán gì với ai không?

Người đàn bà khóc, đáp:

– Bẩm đại nhân, gia đình tiểu dân suốt đời cày sâu cuốc bẫm, ông ấy tính tình lại hiền lành nhỏ nhẹ nên không hề có ai tức ghét hay thù hận, chẳng biết tại sao lại bị chết oan ức như thế.

Tống Từ liền nói:

– Bản quan đã điều tra kỹ rồi, quả nhiên nạn nhân họ Cao các ngươi rất chí thú làm ăn, biết an phận thủ thường, không tham lam dù rằng tiền bạc gom góp không bao nhiêu, vì vậy chẳng thể có người thù hận đến mức giết người trả thù được. Thế nhưng, ngươi cứ suy nghĩ lại đi, chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một hành động khác lạ thì đã đủ cho bản quan tìm ra đầu mối ai là thủ phạm rồi.

Cao thị nghe vậy gạt nước mắt ngẫm nghĩ một lúc, chợt nhớ ra nên vội thưa ngay:

– Mấy ngày trước đây có người hàng xóm đến xin vay tiền. Lúc đó tiểu dân ở dưới bếp pha trà nên không biết mặt mũi, tên họ của người đó ra sao. Sau khi người này ra về rồi, chồng tiểu dân mới kể lại, tức giận cho biết vốn không thân quen mà người đó đòi mượn số tiền khá lớn nên ông thẳng thừng từ chối. Đó là việc rất thường tình, thế nhưng chồng tiểu dân kể người này ra về có vẻ rất hậm hực, trừng mắt nhìn mấy lần rồi mới chịu ra khỏi cổng. Đây có thể là nghi phạm được không?

Tống Từ nghe vậy tươi tỉnh đáp:

– Được lắm chứ...

Rồi cho người đàn bà về. 

***

Ngày hôm sau Tống Từ truyền lệnh cho toàn bộ người trong phạm vi thôn ấy đem lưỡi liềm ra đồng gặt lúa giúp đại quan. Ai nấy đều ngạc nhiên bởi lúc đó là mùa hạ làm gì có lúa chín mà gặt hái, nhưng lệnh quan đã truyền xuống không thể không tuân theo. Khi đến ruộng, tất cả còn ngạc nhiên hơn bởi không thấy đại quan Tri huyện đâu mà có một toán sai nha cầm vũ khí đứng chờ, lùa tất cả đến huyện đường.

Lấy lý do là không được mang vũ khí vào công đường, Tống Từ bắt tất cả để lưỡi liềm của mình ở trước sân, nơi có ánh sáng chiếu vào sáng sủa. Sau khi xong, Tống Từ chẳng hỏi đến ai, lững thững đi quanh cái sân chú ý xem xét từng lưỡi liềm một, không ai biết ý định của ông ra sao.

Tống Từ chợt ngừng bước, chỉ vào một cái liềm sáng bóng rồi hỏi:

– Đây là liềm của ai?

Một người họ Trương đứng ra nhận đó là lưỡi liềm của mình. Tống Từ nhìn mặt hắn thì quả nhiên là một kẻ hung dữ nên biết ngay suy đoán của mình đã đúng, lập tức thăng đường, truyền sai nha trói họ Trương lại, mắng lớn:

– Họ Trương kia! Tại sao ngươi giết người? Hãy khai rõ ra ngay.

Tên họ Trương giả vờ ngơ ngác nói:

– Bẩm đại nhân nói gì tiểu nhân không hiểu?

Tống Từ cười nhạt, nói:

– Ngươi đừng ngoan cố, giết chết họ Cao ra sao thì hãy khai ra đi, nếu không bản quan sẽ dụng hình thì đừng oán trách đấy nhé.

Thế nhưng đối tượng nhất định chối tội, còn nói rằng dù có tra khảo đến đâu cũng nhất quyết không thể nhận tội mà mình không hề phạm.

Tống Từ liền nói:

– Bản quan đã nắm được các chứng cứ ngươi là thủ phạm giết người. Nếu như bản quan dùng hình cụ thì chắc chắn trước sau ngươi cũng phải cúi đầu nhận tội. Thế nhưng ngươi là tên cứng đầu cứng cổ, bản quan không cần tới hình cụ làm gì, hãy nghe cho rõ đây rồi liệu mà thú tội đi.

Nói xong, Tống Từ ung dung giải thích:

– Bản quan đã cho người dò xét, biết rằng ngươi đang có mối làm ăn bất chính cần tới nhiều vốn. Có như vậy dù không thân thiết ngươi mới liều lĩnh đến nhà họ Cao xin vay tiền. Đó là chứng cứ thứ nhất. Ngươi hãy nhìn lại xem, lệnh đem lưỡi liềm ra ruộng rất bất ngờ, bây giờ lại không phải mùa gặt hái thì ai lại đi nhòm ngó tới lưỡi liềm của mình, đều cất một chỗ nên hầu hết đều có chỗ gỉ sét.

Riêng lưỡi liềm của ngươi sáng bóng như vừa mới chùi thì đó là chứng cứ khó có thể chối cãi. Chỉ vì không vay được tiền mà ngươi giết họ Cao trả thù, thấy lưỡi liềm dính máu nên về nhà cố sức chùi cho sạch, khiến nó sáng bóng như vậy, còn chối cãi được không? Chẳng lẽ ngươi chùi liềm để định gặt lúa vào mùa này sao?

Họ Trương nghe vậy giật bắn người, thẫn thờ một hồi rồi cúi đầu xin nhận tội. Lúc đó mọi người mới nhận ra quan huyện họ Tống quả là kỳ tài về việc phá án, không cần tra tấn cũng thừa đủ lý lẽ bắt thủ phạm phải “tâm phục khẩu phục” mà nhận tội.H.B

Một trước tác của Tống Từ đã đem lại luồng sinh khí mới cho phương pháp kiểm chứng các vụ án, đó là cuốn “Tẩy oan tập lục”. Đây là cuốn sách viết về “Pháp y học” ra đời sớm bậc nhất trên thế giới. Nó được cho là ấn hành vào năm 1247, tức là trước cuốn sách đầu tiên về Pháp y học của Tây phương hơn 450 năm.
Riêng ở Trung Hoa, từ sau triều Nam Tống, các quan hình án triều đại Nguyên, Minh, Thanh đều dùng cuốn “Tẩy oan tập lục” làm y cứ pháp điển trong việc xử lý những vụ án gây ra tử thương. Vì vậy hầu hết các vụ oan án được ghi chép lại đều tập trung nhiều ở các thời đại Minh và Thanh, do vì các quan lại hai triều đại này đã học tập được khá nhiều kiến thức từ cuốn “Tẩy oan tập lục” của Tống Từ.
Như vậy có thể gọi ông là tôn sư của ngành “Pháp y học” Trung Hoa và các phán quan đời sau đều xưng tụng ông như vị phán quan bậc thầy. Cuốn “Tẩy oan tập lục” không những có uy tín ở Trung Hoa mãi cho đến thời cận đại mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các pháp quan các nước tham khảo.

Tin cùng chuyên mục

Công an tỉnh Thanh Hóa thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (Ảnh: Cổng TTĐT Công an Thanh Hóa).

Thu hồi Giấy chứng nhận an ninh, trật tự của Công ty có vệ sĩ phân luồng giao thông cho đám cưới ở Thanh Hóa

(PLVN) - Ngày 15/12, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP.Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa (SN 1973, trú tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định) đứng tên làm Giám đốc.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.