PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc cải cách thể chế, hành chính cũng như các thay đổi khác cần làm sao để năng suất lao động tăng lên. Chỉ khi năng suất lao động tăng, đời sống của người dân mới tăng lên.
Nhiều đánh giá gần đây cho thấy, tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở dưới mức cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững? Ông đánh giá như thế nào về điều này, thưa ông?
- Chúng ta đã nói rất nhiều về tình trạng năng suất và năng suất lao động (NSLĐ) thấp ở Việt Nam.
Nếu so sánh với một số nước Đông Bắc Á và ASEAN, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Cụ thể, năm 2017, NSLĐ của Việt Nam gấp 2 lần NSLĐ trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và chỉ bằng 18,3% nhóm nước thu nhập trung bình cao.
NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73% triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân NSLĐ giai đoạn 2012-2017 là 5,3%. Đặc biệt, năm 2015 tăng trưởng NSLĐ đạt tốc độ cao nhất với 6,49%.
Tuy nhiên, năm 2015, NSLĐ ngành của Việt Nam hầu hết ở mức thấp nhất trong tương quan so với các nước so sánh.
Thậm chí, NSLĐ của Việt Nam xếp sau Campuchia ở 3 ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi và truyền thông. Trong khi đó đây là những nhóm ngành cơ bản, trọng tâm nếu chúng ta muốn bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hệ quả, NSLĐ thấp dễ đặt Việt Nam trước nguy cơ mắc bẫy “thu nhập trung bình”, đây cũng là nguyên nhân làm giảm sút tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Đây là thời điểm Việt Nam cần xây dựng quyết tâm và thực sự ý thức về việc cải thiện NSLĐ ở cấp độ quốc gia, tạo đột phá cho tăng trưởng NSLĐ. Chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vậy làm sao tạo đột phá cho tăng trưởng NSLĐ Việt Nam, thưa ông?
- Trước tiên, chúng ta cần thay đổi từ tư duy tới hành động, xây dựng phong trào về NSLĐ Việt Nam, nếu không sẽ bị tụt hậu mãi mãi. Cụ thể, Việt Nam cần phải xây dựng phong trào tăng năng suất giống như Nhật Bản đã từng làm sau thế chiến thứ 2 cũng như Singapore đã làm đầu thập niên 1960. Việc thay đổi ở đây đòi hỏi thay đổi căn bản về mặt tư duy về cách tổ chức cuộc sống, tổ chức sinh hoạt và các yếu tố khác có liên quan.
Hiện, chúng ta đã có một số cơ quan có thể coi là quản lý vấn đề về năng suất nhưng còn khá manh mún, không tạo ra được định hướng chính sách hay triết lý về tăng năng suất. Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần hình thành một tổ chức, ủy ban, cơ quan thống nhất vấn đề năng suất của Việt Nam, xác định đó là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Cách làm không chỉ ở cấp địa phương hay cấp doanh nghiệp mà phải là cấp quốc gia, thay đổi từ khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ gia đình.
Trong đó, cải cách khu vực nhà nước bao gồm khu vực hành chính và Doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chính khu vực hành chính nhà nước phải thay đổi từ cách điều hành, hoạt động của bộ máy, cách ra chính sách, cách giải quyết các vấn đề.
Đối với khu vực doanh nghiệp gồm DNNN, tư nhân và DN đầu tư nước ngoài, cần hướng cải thiện NSLĐ ở khu vực kinh tế tư nhân. Nếu cải thiện được NSLĐ tại khu vực này sẽ tạo nên sự đột phá cho nền kinh tế của Việt Nam. Việc phụ thuộc tăng năng suất vào FDI sẽ là thiếu bền vững khi có khủng hoảng.
Cùng với đó, cải thiện NSLĐ khu vực hộ gia đình, bắt nguồn từ thay đổi cách sinh hoạt và tư duy người dân. Chỉ có cách đó mới có thể thay đổi thực chất NSLĐ.
Tái cơ cấu nền kinh tế đang ở chặng đường đang có những đánh giá nhìn nhận lại, để có kế hoạch cho các bước tiếp theo vào các năm tiếp theo đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo từ 2020-2030. Có nhiều nhận xét cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua chưa thực chất và chưa mang lại hiệu quả. Quan điểm của ông về việc này, thưa ông?
- Xuất phát từ phản ứng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Chúng ta bị đẩy vào tái cơ cấu để thay đổi cho phù hợp và thoát khỏi khủng hoảng nhưng nhìn vào chúng ta chưa định hướng cụ thể, cách đi cụ thể.
Gần đây, tôi thấy có tái cơ cấu mà tôi đánh giá là hiệu quả, đó là tái cơ cấu về tư duy. Trong các Nghị quyết trung ương gần đây, đặt vấn đề doanh nghiệp tư nhân như là động năng chính của tăng trưởng kinh tế… Ít nhất chúng ta có tái cơ cấu về tư duy. Còn các tài cơ cấu khác chưa rõ ràng. Ví dụ: dịch chuyển nguồn lực khỏi khu vực DN nhà nước, tính hiệu quả rất chậm. Nói rất nhiều nhưng nhìn vào chỉ số, lượng vốn trong khu vực DNNN được cổ phần hóa còn rất nhỏ.
Khu vực DN tư nhân vẫn chưa được hỗ trợ về mặt quản lý, tổ chức, lập pháp để hỗ trợ họ. Họ cần hỗ trợ ở nhà nước lành mạnh. Đây là điều chưa đạt được. Tôi cho rằng, tái cơ cấu kinh tế cần phải được tiếp tục tái cơ cấu vào trong tư duy. Từ mô hình quản lý kinh tế nhà nước hiện nay chúng ta mới thay đổi được còn lại trong các ngành, các địa phương sẽ dịch chuyển theo hướng thị trường khi được tạo điều kiện về mặt thể chế thì tự nó sẽ tạo ra bước phát triển ngoạn mục.
Có rất nhiều sự kiện, vấn đề đang được đưa ra về kinh tế: tái cơ cấu kinh tế, tăng NSLĐ và FDI. Sau 30 năm đổi mới FDI, khu vực FDI có vai trò quan trọng đóng góp vào tăng trưởng NSLĐ và tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy theo ông, muốn thay đổi nguồn vốn FDI thì câu chuyện về DN tư nhân, NSLĐ trong đó sẽ như thế nào, thưa ông?
- Anh muốn nói gì, muốn làm gì cũng phải thể hiện ở năng suất lao động nền kinh tế. Vì NSLĐ nó sẽ quyết định bộ mặt, đời sống người dân được hưởng. Còn chúng ta nói chúng ta có rất nhiều thay đổi, rất nhiều cái mới nhưng NSLĐ từ năm 2008 -2016 chỉ tăng chưa được 25%, theo tính toán của chúng tôi. Chúng ta muốn đuổi kịp các nước trong khu vực, tạo ra bệ đỡ tốt anh phải tăng gấp đôi. Rõ ràng chúng ta không làm được, cơ sở kinh tế, cơ sở vật chất của ta là không có.
Tôi nghĩ rằng, mọi điều chúng ta làm đều phải hướng tới NSLĐ, nhưng năng suất là một điều rất thực tế chứ không phải hô hào. Chỉ tiêu và phần quyết định, cản trở năng suất lớn nhất hiện nay là khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước gồm khu vực hành chính, khu vực kinh tế, doanh nghiệp.
Vậy thì cải cách khu vực đó, chúng ta nhìn thấy ngân sách hiện nay phục vụ rất nhiều vì chi thường xuyên rất cao bởi vì năng suất khu vực hành chính là thấp và lượng người lao động ăn lương ngân sách trong đó là rất lớn. Đó là cản trở NSLĐ, chúng ta chưa giải quyết được chúng ta cứ hô hào tái cơ cấu ở bên ngoài, những cái đó là chưa thực chất.
Việc 30 năm chúng ta thu hút FDI, những giai đoạn đầu tiên chúng ta có vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở lại với Thế giới, nguồn vốn và kỹ năng về quản trị. Nhưng sau 30 năm vẫn chỉ như vậy thì chúng ta lại lạc hậu. Việc kéo khu vực DN tư nhân tham gia vào DN FDI qua chuỗi giá trị toàn cầu thì chúng ta chưa làm được.
Qua nghiên cứu thống kê của các nhà nghiên cứu, hiệu ứng kéo các DN đi theo là rất thấp, hạn chế. Chúng ta cần nhìn nhận lại, khu vực tư nhân là khu vực tiếp nhận những chuyển giao đó chưa lành mạnh, chưa đầy đủ thì rào cản ở đâu? Câu trả lời là không khó. Khi khu vực hành chính của ta còn nhiều trì chệ, cản trở DN như vậy chúng ta sẽ không thể phát triển được.
Xin trân thành Cảm ơn ông!